Vượt mây mù gieo chữ vùng cao

Với tình yêu trẻ, yêu nghề, cô giáo Thủy đã gắn bó với trường lớp vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Xuân Tùng.
Với tình yêu trẻ, yêu nghề, cô giáo Thủy đã gắn bó với trường lớp vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Giao thông cách trở, điện không có, lớp học nhà tranh vách nứa… không ngăn được cô giáo Đàm Thị Thu Thủy gắn bó với trẻ nhỏ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai). Cô vận động phụ huynh cho con em quay lại trường, tham gia làm đường, trồng rau, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi… cho học sinh.

Đàm Thị Thu Thủy hiện là cô giáo nuôi dạy trẻ tại phân hiệu Nậm Thố của Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Thu Thủy (SN 1990, quê Phú Thọ) tình nguyện lên với trẻ em vùng cao Bắc Hà để gieo con chữ.

Con đường dẫn vào phân hiệu Nậm Thố còn nguyên dấu tích khai phá với bên vách đá còn đỏ màu đất, vết cào máy xúc và bên vực hun hút chưa ta-luy, bờ kè. Chiếc xe máy tăng bo của thầy cô giáo chở chúng tôi luôn chực quay ngang hoặc tụt dốc trên mặt đường lục cục đá. Những cô giáo nơi đây bảo: “Vẫn ngồi trên xe để đi là may rồi. Những hôm trời mưa, hay khi sương chiều giăng xuống, con đường lầy bùn đất như được bôi thêm mỡ. So với điểm trường khác, đường vào Nậm Thố dễ hơn nhiều”. Cô Thủy cho hay, đường vào phân hiệu Sản Chư Ván những khi mưa phải đi ủng và cuộn thêm xích vào bánh xe mới di chuyển được. Đây là phân hiệu đầu tiên cô Thủy công tác khi về Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố.

Kể về ngày đầu vượt hơn 20km đường núi từ điểm trường chính vào phân hiệu Sản Chư Ván, cô Thủy nói: “Dù xác định tinh thần đi vùng cao là đối mặt với khó khăn, xa gia đình, nhưng vẫn không khỏi bất ngờ trước sự cách trở của giao thông, không điện, không sóng điện thoại; lớp mẫu giáo mượn tạm của trường tiểu học còn đơn sơ, nhà tranh vách nứa, cơ sở vật chất thiếu thốn”. Lớp học biệt lập giữa bốn bề núi và sương mù bao phủ, lại thêm khó khăn bất đồng ngôn ngữ ảnh hưởng tới việc dạy học và giao tiếp với học sinh, phụ huynh. “Những khi một mình ở lại điểm trường tôi càng thấy nhớ nhà hơn. Tôi nhiều lần đã khóc, thậm chí từng muốn về quê Phú Thọ”, cô Thủy bộc bạch.

Do nghèo khó còn bủa vây, không ít phụ huynh phải cho con nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình. Sau 5 năm công tác, cô Thủy không ít lần phải đi vận động phụ huynh cho trẻ quay lại trường.

Vượt mây mù gieo chữ vùng cao ảnh 1

Nỗ lực vì học sinh

Vượt qua khó khăn của điều kiện công tác, giáo viên Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố còn tích cực cải thiện chất lượng dạy học và bữa ăn cho trẻ. Trong vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên Trường, cô Thủy phát động các hoạt động tình nguyện trong nhà trường và huy động người dân tham gia dọn vệ sinh trường lớp, sửa sang lớp học, làm đường lên các phân hiệu, làm vườn trồng rau xanh cải thiện bữa ăn học sinh... Ngay tại điểm trường Nậm Thố, cô Thủy và các giáo viên khác tận dụng khoảnh đất trống để làm thành mảnh vườn được quây kín bằng rào nứa và lưới, trồng rau muống, bắp cải, mùa nào trồng thức nấy để cải thiện bữa ăn cho trẻ.

Bên cạnh đó, các lớp học tại 6 phân hiệu và trường chính đều có nhiều đồ dùng minh họa cho việc dạy học, đồ chơi trong lớp và ngoài trời làm từ vật liệu sẵn có tại địa phương do cô Thủy tự tay thiết kế và làm như: cổng chui cho trẻ từ lốp xe, bập bênh, xích đu bằng gỗ... Cô Thủy còn tổ chức chương trình quyên góp quần áo ủng hộ bằng cách vận động người thân và bạn bè qua mạng xã hội.

Với lòng yêu nghề và tích cực trong các phong trào, cô giáo Đàm Thị Thu Thủy đạt được nhiều thành tích như: đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm; Giải nhất Hội thi tuyên vận giỏi cấp học mầm non tỉnh Lào Cai (tháng 10/2015); đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở hai năm học 2013-2014 và 2014-2015. Hiệu trưởng Trường Mầm non Thải Giàng Phố Nguyễn Thị Duyên cho biết: “Cô Thủy là giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn giỏi và tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn, phong trào thanh niên đóng góp nhiều sáng kiến ý nghĩa. Cô cũng là người khéo tay, sáng tạo nhiều đồ dùng giảng dạy, đồ chơi cho học sinh”.

Cô Thủy tâm sự: “Động lực để tôi gắn bó với trường lớp là sự động viên của đồng nghiệp, nhất là sự hiếu học của học sinh. Mỗi lần yếu lòng, tôi luôn tự nhủ các em học sinh hằng ngày vẫn tự trèo đèo lội suối, đi bộ 4-5km để đến lớp, tại sao là một giáo viên, từng học chuyên ngành mầm non lại không thể vượt qua khó khăn, gạt bỏ cảm giác sợ cô đơn. Đến giờ tôi khẳng định sẽ gắn bó với các em học sinh vùng cao nơi đây. Bắc Hà đã trở thành quê hương thứ hai; là nơi có nhiều kỷ niệm với những bước ngoặt để tôi trưởng thành hơn”.

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy là một trong 63 tấm gương cô giáo vùng cao trên toàn quốc sẽ được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Cô Thủy nói: “Tôi đã cảm thấy rất vinh dự và vui khi được chia sẻ những tâm tư. Tôi mong muốn những học sinh nơi vùng cao được nhận thêm nhiều sẻ chia, giúp đỡ hơn nữa”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.