Vượt lên da cam...

Vượt lên da cam...
TPO - Mồ côi cha mẹ khi chưa biết gì. Sau 10 ngày cưới, người chồng ra trận và không trở về.

> Phát động Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Bà Thúy trải lòng
Bà Thúy trải lòng.

Người chồng kế là thương binh nặng qua đời vì chất độc da cam. Đứa con đầu cũng qua đời vì di chứng chất độc da cam. Gia sản lớn nhất của bà giờ đây là hai người con trai mù do bị di chứng chất độc da cam. Vượt lên bất hạnh đến nghiệt ngã của số phận, bà Thúy lần hồi, từng bước gây dựng gia đình ở tuổi xế chiều...

Bất hạnh chồng bất hạnh

Đó là bà Ngô Thị Thuý (63 tuổi, ở phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng). Được các bác ở Hội Nạn nhân Chất độc Da cam TP Hải Phòng kể, tôi gặp bà. Tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn, cởi mở và luôn nở sẵn nụ cười làm mọi người cứ ngỡ bà Thúy là một phụ nữ hạnh phúc, viên mãn...

Chiều đất Cảng mưa như trút nước, quán Tẩm quất, xoa bóp, bẩm huyệt của bà do toàn người mù làm không có khách, bà Thúy trải lòng về cuộc đời mình dù bà không muốn nhắc lại cuộc đời quá bất hạnh của mình mà chỉ muốn chôn nó mãi mãi.

Quê ở xã Quốc Tuấn (huyện An Dương, TP Hải Phòng), bà Thúy là con gái thứ hai trong gia đình có hai chị em. Năm 1949, cha bà Thúy là cụ Ngô Văn Tậu, một cán bộ Đảng cốt cán ở địa phương đã hi sinh trong một trận càn của quân Pháp. Khi đó, mẹ bà Thúy đang mang thai bà tháng thứ tám.

Vừa mới lên ba, mẹ bà Thúy qua đời vì bạo bệnh. Hai chị em côi cút cả cha lẫn mẹ dắt díu nhau về tá túc nhà bà nội. Nhà nghèo, bà nội của bà Thuý phải vắt sức chăm mấy sào ruộng nuôi đám cháu là con liệt sĩ chống Pháp nay lại phải cáng thêm hai chị em bà Thuý làm cuộc sống đã khốn khó lại càng nheo nhóc thêm...

Bà Thúy hướng dẫn nhân viên mù bấm huyệt cho khách
Bà Thúy hướng dẫn nhân viên mù bấm huyệt cho khách.
 

Năm 1965, sau khi học xong lớp 10, bà Thúy vào học tại trường cơ khí đóng tàu và sau đó công tác ở một nhà máy đóng tàu của Bộ Quốc phòng tại TP Hải Phòng. Tại đây, bà bén duyên với người cùng nhà máy là ông Nguyễn Hữu Bầu. Cuối năm 1970, sau khi cưới được 10 ngày, ông Bầu mới nói với vợ mới cưới là đã đăng kí xung phong ra mặt trận và bà Thúy đồng tình.

Vào chiến trường Quảng Đà ít tháng, ông Bầu trúng đạn bị thương nặng. Sau khi chữa trị, ông Bầu lại ra chiến trường và hi sinh tại trận địa pháo ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh năm 1972 khi mới 26 tuổi. Hai vợ chồng ông bà khi đó chưa có con...

Năm 1974, ông Nguyễn Văn Trung, bộ đội đặc công, là thương binh nặng chấn thương sọ não được phân công về công tác ở nhà máy đóng tàu quân đội. Cảm thương người thương binh nặng lại được đồng nghiệp “gán ghép”, đầu năm 1974, bà Thúy đi bước nữa với ông Trung.

Anh Hùng “khoe” các tấm huy chương cất trong tủ
Anh Hùng “khoe” các tấm huy chương cất trong tủ.

Cuối năm 1974, đứa con trai đầu lòng chào đời được đặt tên là Nguyễn Tuấn Anh. Nhưng, bất hạnh lại dội xuống gia đình bé mọn này là Tuấn Anh mù cả hai mắt. Nén nỗi đau, vợ chồng bà Thúy sinh tiếp người con trai thứ hai là Nguyễn Tiến Dũng vào năm 1977. Niềm hi vọng đứa con lành lặn vụt tắt khi Dũng lại bị mù.

“Sau đận này, hai vợ chồng tôi cứ đánh chửi nhau liên miên. Ông chồng bị chấn thương sọ não không chịu được cú sốc hai đứa con liên tiếp bị mù liền đổ vấy cho gia đình tôi ăn ở thất đức nên bị giời phạt. Tôi buồn lắm nhiều lúc không thiết sống nữa nhưng nhìn hai đứa con mù lòa bé bỏng mà gượng dậy lần hồi. Mình chết ai nuôi hai đứa con tật nguyền. Hồi ấy có biết da cam là gì đâu.

Đến năm 1984, vợ chồng tôi quyết tâm đẻ thêm đứa nữa với hi vọng nó lành lặn để sau này nuôi hai đứa anh tật nguyền của nó khi vợ chồng tôi qua đời. Đó là ngày buồn thảm, vô vọng nhất khi đứa con trai thứ ba chào đời với đôi mắt mù. Cháu tên là Nguyễn Mạnh Hùng. Sau này, vợ chồng tôi mới biết đó là di chứng của chất độc da cam mà chồng tôi đã bị nhiễm hồi còn ở chiến trường. Chồng tôi buồn lắm sinh bệnh và qua đời năm 2000. Đứa con trai đầu bị di chứng chất độc da cam cũng đã qua đời năm 1997...”, bà Thúy tâm sự.

Và ngày mai tươi sáng

“Hoàn cảnh gia đình quá nghèo túng. Chồng bị chấn thương sọ não lại hai đứa con mù. Mỗi lần trở trời, ông ấy lại đập phá. Năm 1985, tôi xin nghỉ mất sức ở nhà vừa chăm chồng con vừa chạy chợ rau kiếm sống. Sáng sớm đạp xe lấy rau ở chợ đầu mối rồi mang về chợ cóc bán kiếm chút tiền lãi rau cháo qua ngày. May cho tôi, cháu Hùng tuy mù nhưng rất sáng dạ.

Năm 1990, tôi đứa cháu vào trường Khiếm thị Hải Phòng học chữ nổi. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, các anh ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bố trí cho tôi làm nhân viên ở trường Khiếm thị để vừa có việc làm lại có điều kiện chăm sóc con nhỏ...”, bà Thúy nói.

Tuy mù, Hùng vẫn vừa đàn vừa hát
Tuy mù, Hùng vẫn vừa đàn vừa hát.

Tuy bị khiếm thị nhưng Hùng rất chăm học. Tốt nghiệp THPT, Hùng thi đỗ vào khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hải Phòng. Hùng học chuyên ngành âm nhạc hệ cao đẳng sư phạm. Các bạn cùng trường rất khâm phục nghị lực của cậu sinh viên khiếm thị này. Tối tối, Hùng lại mang theo cây đàn oóc-gan chơi nhạc ở khắp các quán cà phê, quán bar đất Cảng để kiếm tiền trang trải việc học và giúp đỡ gia đình.

Hùng không chỉ nổi danh chơi đàn và hát mà còn là một vận động viên điền kinh khuyết tật nổi tiếng đất Cảng. Hùng tham gia hầu hết các ParaGames. Dẫn tôi vào nhà, Hùng tự hào chỉ cho tôi xem bộ huy chương gần chục chiếc mà trong đó khá nhiều huy chương vàng. Giờ Hùng đã có vợ và mới có cậu con trai đầu lòng 7 tháng tuổi.

Hùng hạnh phúc bên vợ và con trai đầu lòng
Hùng hạnh phúc bên vợ và con trai đầu lòng.

“Dũng, đứa con trai thứ hai mù lòa cũng đã có vợ và có hai đứa con. Con gái lớn 12 tuổi và đứa con trai thứ 7 tuổi. Hai đứa trẻ đi học bình thương và rất chăm ngoan. Dũng tuy mù chữ nhưng rất chịu khó, thương vợ con. Ai thuê làm gì để kiếm tiền nuôi vợ con Dũng đều làm ngay dù vất vả, nặng nhọc đến mấy. May cho tôi cuối đời có ba đứa cháu. Đứa nào cũng bình thường, học hành chăm ngoan...”, bà Thúy tâm sự.

Đại diện báo Tiền Phong trao quà ủng hộ
Đại diện báo Tiền Phong trao quà ủng hộ.

“Cuộc sống nghèo túng quá đến giờ tiền vay nợ để thuốc thang, chữa bệnh cho chồng, con, tôi vẫn chưa trả hết dù đã gần 20 năm nay rồi...”, bà Thúy trải lòng.

Để trang trải cuộc sống và giúp đỡ người mù có việc làm ổn định, năm 2009, bà Thuý thuê ngôi nhà số 424 đường Trường Chinh (phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng) mở Cơ sở Người mù tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền. Hiện, cơ sở này tiếp nhận 7 người mù vào làm việc, trong đó có người mù do di chứng chất độc da cam.

“Giờ tối em không đi chơi nhạc ở các quán cà phê nữa mà ở nhà giúp mẹ trông coi cơ sở tẩm quất, xoa bóp. Cũng bận việc lắm anh ạ!”, Hùng toét miệng cười.

Ghi chép của Lam Khê

Đến nay, Hải Phòng có hơn 17 nghìn người là người hoạt động kháng chiến và các con của họ bị phơi nhiễm, nhiễm và di nhiễm chất độc da cam. Sau một năm hoạt động, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Điôxin TP Hải Phòng đã vận động, quyên góp được gần 5,5 tỉ đồng để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam.

Đại diện báo Tiền Phong trao quà ủng hộ
Đại diện báo Tiền Phong trao quà ủng hộ.
 

Sáng 10-8, báo Tiền Phong trao tặng 10 suất quà cho 10 nạn nhân chất độc da cam ở TP Hải Phòng, mỗi suất 1 triệu đồng. Chi nhánh Cty Cổ phần Tiền Phong tại TP Hải Phòng ủng hộ 30 triệu đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG