Khó khăn do dịch COVID-19
BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần ổn định cuộc sống người lao động khi về già. Chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về lo an sinh cho chính mình. Do đó, “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” được ra đời, chủ đề của tháng hành động năm nay là phát triển BHXH tự nguyện.
Dù vậy, việc triển khai mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện nửa đầu năm nay đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Tới hết tháng 4 vừa qua, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hơn 557.000 người, giảm 11.000 người so với tháng 3 và giảm 16.000 người so với năm 2019.
Năm 2020, mục tiêu đặt ra là tăng thêm ít nhất 300.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia loại hình bảo hiểm này lên ít nhất 800.000 người. Tuy nhiên, do khó khăn của đại dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã bị ảnh hưởng phần nào.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam) cho hay, sự sụt giảm người tham BHXH tự nguyện do: BHXH tự nguyện năm 2019 phát triển rất tốt, nhưng đầu năm 2020 do dịch bệnh nên ảnh hưởng tới hoạt động vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, hầu như không phát triển được thêm người tham gia BHXH tự nguyện mới, trong khi người đang tham gia bị mất việc làm nên cũng tạm dừng đóng BHXH tự nguyện.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đánh giá, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện hoạt động doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Điều đó tác động không nhỏ đến mục tiêu phát triển người tham gia BHXH trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn đó chỉ là ngắn hạn, cùng với kiểm soát dịch bệnh, các chính sách của Chính phủ sẽ hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi, sự quan tâm của địa phương, mục tiêu phát triển BHXH năm 2020 sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Đa dạng hình thức
Bà Đinh Mai Hạnh cho hay, tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Đây là hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của chính sách BHXH trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và cả cộng đồng về chính sách BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phát triển BHXH tự nguyện, theo bà Hạnh, cơ quan BHXH sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nang cao nhận thức người dân về BHXH. Cùng đó, cơ quan BHXH các cấp cần phát huy vai trò tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc truyền thông BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông về BHXH, bên cạnh các hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp...
Theo ông Trần Hải Nam, hoạt động tuyên truyền BHXH thời gian tới cần hướng tới việc cho người lao động hiểu rõ về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH, chính sách về BHXH. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân tham gia BHXH. Cùng với đó, các giải pháp phục hồi nền kinh tế cần sớm triển khai, từ đó tạo việc làm, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Với lao động phi chính thức, các địa phương cân đối nguồn lực để hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống để có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Về lâu dài, theo ông Nam, cần hoàn thiện chính sách về BHXH, để hướng tới việc linh hoạt, đa dạng chế độ thụ hưởng; tăng cơ hội cũng như quyền lựa chọn của người dân khi tham gia, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng tham gia BHXH...
Theo kế hoạch, ngày 23/5, BHXH Việt Nam phối hợp với TCT Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân – Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”. Đây là năm đầu tiên triển khai “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” – tháng 5 hàng năm.