Vườn rừng bạc tỷ

TP - Khi thương lái từ cả hai miền Nam, Bắc tìm lên Tây Nguyên hợp đồng mua toàn bộ sản lượng bơ, sầu riêng trái mùa giá cao, và học tập mô hình trồng những giống cây quý, mới lạ thử nghiệm thành công, nhiều người nhận ra kiếm lãi hàng tỷ đồng trên mỗi hécta đất trang trại bây giờ hoàn toàn là điều có thể...

Cà phê, cao su nhường chỗ cho bơ

Từ trước tới nay, hầu hết diện tích đất gieo trồng cả 5 tỉnh Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là lúa, bắp, đậu, tiêu, cà phê, cao su.

Chiếm diện tích lớn nhất trên Tây Nguyên, là gần 1 triệu hécta cà phê và cao su, 2 loại cây công nghiệp dài ngày có lợi thế lớn xuất khẩu. Nhưng những cơn bão giá đã phá sản vô số chủ đất và doanh nghiệp, giá bán chông chênh, người lao động đành lấy công làm lãi.

Nhiều cuộc thử nghiệm nôn nóng trồng - chặt xoay vòng khiến nông dân quay về lối mòn canh tác cũ. Nhưng cũng có không ít người dày công nghiên cứu, chịu khó mày mò, tìm kiếm kỹ lưỡng cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” trước lúc dốc vốn đầu tư.

Nhờ vậy nhiều mô hình vườn cây trái, rau hoa, dược liệu độc đáo, mới lạ, giá trị cao từ những xứ sở khác không ngừng du nhập lên vùng đất Tây Nguyên.

Vườn rừng bạc tỷ ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (ở giữa) tại vườn ươm Thạch hộc tía

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, Viện đã sưu tầm, trồng khoảng 20 loại giống bơ, và hàng chục loại sầu riêng cao sản.

Trong đó, giống bơ Booth dáng tròn như trái cam, vỏ màu xanh đen cho năng suất chất lượng cao, chín cuối vụ đã được trồng nhiều nơi, còn giống sầu riêng cơm vàng hạt lép trồng xen cà phê lại cho lãi gấp đôi ba lần tiền bán cà phê trên những lô đất đó.

Cách không xa Viện, cơ ngơi của “tỷ phú Mười Bơ” không ngừng phát triển. Diện tích vườn cây và vườn ươm nay đã rộng 5,5 hécta, tạo việc làm cho mấy chục lao động. Riêng Mười Bơ - tức Trịnh Xuân Mười mỗi năm thu nhập vài tỷ.

Trong khu vườn xanh rợp cây trái, ngoài 4 giống bơ cao sản đã được Sở NN&PTNT công nhận đạt chuẩn giống đầu dòng, anh giới thiệu với tôi thêm 3 giống mới, gồm “bơ giấu trái” lúc lỉu trái nấp dưới lá; bơ nghệ ruột màu vàng cam như nghệ; và “bơ trăm triệu” chi chít trái non thuôn dài, lớn hết cỡ mỗi quả nặng từ 1 - 1,2 kg.

Bơ ngon dán nhãn Trịnh Mười ít khi ra tới chợ Buôn Ma Thuột, vì thường được mua hết tại vườn chở thẳng ra sân bay. Năm ngoái anh đã phải lắc đầu với một khách hàng Nhật Bản muốn đặt mua số lượng lớn. Tuy vậy, bơ Trịnh Mười đến tay người tiêu dùng ở Hà Nội, TPHCM vẫn chưa bằng 1/3 bơ Hass nhập ngoại.

Vườn rừng bạc tỷ ảnh 2 Anh Mười với giống bơ mới ruột vàng

Tới dược liệu triệu đô…

Qua một vị Tư lệnh Binh đoàn say mê nghiên cứu các giống cây trồng mới bắc cầu giới thiệu, tôi nối liên lạc được với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ông Tạn cho biết tại thời điểm này, cả nước không loài thực vật nào có thể đem lại mức lãi siêu khủng bằng cây Thạch hộc tía.

Ông thường dùng cây này như rau sống rất bổ khỏe, và chứng kiến một người bạn nhờ uống nước ép Thạch hộc tía đun sôi thường xuyên mà chữa khỏi bệnh. Sau mấy năm dày công thử nghiệm, nay Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã nhân giống thành công cây quý ở Hà Nội và Lâm Đồng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát so sánh: Hà Lan diện tích chỉ gần bằng Đồng bằng sông Cửu Long, 1/2 diện tích chìm dưới mực nước biển, thế nhưng mỗi năm nước này xuất khẩu hơn 90 tỷ USD, trong đó rau và hoa là 15 tỷ USD, gấp cả chục lần so với Việt Nam. Vài năm gần đây, giá trị xuất khẩu rau, hoa, quả của nước ta tăng dần, nông dân đang có nhiều cơ hội làm giàu nếu được định hướng tốt đầu ra cho sản phẩm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chủ nhiệm công trình nghiên cứu về cây Thạch hộc tía, TS Vũ Văn Định cho biết loài Thạch hộc tía được Viện tìm thấy ở vùng rừng Tây Bắc chất lượng tương đương với giống Thạch hộc tía mua về từ Vân Nam, Quảng Tây.

Thạch hộc tía có tên khoa học Dendrobium officinale Kimura et Migo, thuộc chi Thạch hộc, họ Lan (Orchidaceae), thường sống ở dốc núi râm mát, độ ẩm cao, vách núi đá các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới, vừa là cây làm cảnh vừa là cây làm thuốc quý hiếm, đã được đưa vào “công ước quốc tế về động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng”.

Cổ thư đông y Trung Quốc ghi nhận 9 loại tiên dược được xếp theo thứ tự như sau: Thạch hộc, Tuyết liên, Nhân sâm, Thủ ô, Phục linh, Tùng dung, Linh chi, Ngọc trai, Đông trùng hạ thảo, trong đó Thạch hộc tía xếp đầu bảng.

Thạch hộc tía trồng một lần có thể thu hoạch 6 năm, vốn đầu tư ban đầu tốn kém, nhưng năm thứ 2 có thể thu hồi vốn, từ năm thứ 3 có lãi. Nếu nắm vững kỹ thuật chăm sóc, năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha/năm với giá bán khoảng 3 triệu đồng/kg cây tươi, doanh thu 15 tỷ đồng/ha/năm.

Vườn kính trồng Thạch hộc tía đầu tiên trên Tây Nguyên của ông Lê Đức Thành. Ông Thành cho biết dù có công ty đa ngành nghề, nhưng ông vẫn chỉ thích sống đời nông dân. Hiện ông mới đầu tư hơn nửa tỷ trồng 1.000 m2 Thạch hộc tía. Sắp tới sẽ nhân giống lên 10 ha trong trang trại rộng 500 ha đất rừng bên sông Đồng Nai.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.