Vườn quốc gia và bài toán khai thác

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (bìa phải) cùng các chuyên gia lâm nghiệp trong một chuyến vào VQG Yok Đôn
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (bìa phải) cùng các chuyên gia lâm nghiệp trong một chuyến vào VQG Yok Đôn
TP - Dù diện tích rừng liên tục suy giảm song Đắk Lắk vẫn còn đứng trong top các tỉnh còn diện tích rừng lớn nhất của cả nước. Câu hỏi đang được đặt ra là khai thác số rừng quý báu này như thế nào để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa bảo vệ rừng bền vững.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Đắk Lắk còn khoảng 512.854 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 457.643 ha, rừng trồng 55.211 ha.   Đó chính là tài nguyên cho ngành du lịch, nếu được đầu tư một cách khoa học, bài bản, hạn chế tác động đến sự toàn vẹn và đa dạng sinh học. Qua các nhiệm kỳ lãnh đạo, chính quyền và ngành Kiểm lâm Đắk Lắk từng đưa ra nhiều phương hướng, kế hoạch, giải pháp về vấn đề phát triển “công nghiệp xanh”, nhằm tăng nguồn thu ngân sách, tăng thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng mà vẫn giữ được cân bằng sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, tới nay “công nghiệp xanh” Đắk Lắk mới chỉ tạo được vài điểm dừng chân đầu tư nhỏ lẻ, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với tỉnh bạn Lâm Đồng.

Hướng đầu tư nào phù hợp?

Hiện nay ở Đắk Lắk, mới chỉ có Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn và Công ty TNHH Ánh Dương là 2 đơn vị tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái trong rừng. Mỗi năm 2 đơn vị  này thu hút được khoảng 13.000 lượt du khách, trong đó khách nước ngoài chiếm trên 70%. Doanh thu chỉ đạt từ 1 đến 1,3 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, VQG Chư Yang Sin và Ban quản lý khu rừng Văn hóa-Lịch sử-Môi trường hồ Lắk, cùng các đối tác vẫn đang loay hoay, vướng víu các quy định liên quan trong quá trình lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk trong văn bản tham gia ý kiến về đề án du lịch dạng này, đã khẳng định quan điểm ủng hộ việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, tuy nhiên vẫn lưu ý các bên phải thực hiện đúng Luật Lâm nghiệp và các quy định hiện hành.   

Thời điểm cuối năm 2012, một số dự án thủy điện dọc sông Sêrêpôk đã gây ảnh hưởng lớn đến VQG Yok Đôn. Dự án đầu là thủy điện Sêrêpôk 4A đã triển khai việc dẫn hẳn một đoạn sông dài 20km vốn là một phần ranh giới tự nhiên của VQG Yok Đôn, sang kênh đào trước khi trả lại nguồn cho dòng chính Sêrêpôk.

Một dự án khác cuối cùng đã không lấy được 63 hecta rừng vùng lõi VQG để thi công thủy điện Đrăng Phôk, dù hồ sơ thiết kế đã hoàn thành; đã được duyệt quy hoạch và cấp phép. Cuối tháng 4/2016, VQG Yok Đôn gửi tờ trình cho UBND tỉnh Đắk Lắk, trình bày nếu dự án này được thi công, các phương tiện máy móc, vật liệu nổ sẽ gây tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến các loài động vật, nhất là các loài thú lớn, đặc biệt là voi. Bởi khu vực này những đàn voi rừng thường xuyên cư ngụ và là hành lang di chuyển của chúng theo mùa trong năm, rất dễ xảy ra xung đột voi-người...

Gái đẹp nhiều người ngắm

Khi dự án thủy điện Đrăng Phôk bị “tạm dừng không thời hạn”, cán bộ nhân viên VQG Yok Đôn rất mừng dù chưa hết lo lắng. Giám đốc VQG Yok Đôn lúc đó cho biết, vẫn còn những “định hướng” khác về đầu tư du lịch có thể gây tổn hại giá trị sinh thái độc nhất vô nhị của VQG này.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về chuyện VQG Yok Đôn khi được chuyển quyền quản lý từ Bộ NN&PTNT về cho tỉnh (hiện tại, việc này chỉ còn chờ Chính phủ phê duyệt), tỉnh sẽ cho một doanh nghiệp đầu tư xây dựng cáp treo dẫn vào vùng lõi của vườn. PV Tiền Phong hỏi một vị lãnh đạo tỉnh, được xác nhận ý tưởng này là có, nhưng triển khai được hay không thì còn phải chờ ý kiến các bên liên quan.

Ông Bùi Hồng Quý, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, nội dung đầu tư cáp treo trong VQG Yok Đôn mới có trong văn bản tham mưu của Sở VHTTDL. PV Tiền Phong hỏi Sở VHTTDL, được biết ý tưởng về những hạng mục có thể đầu tư như safari, cáp treo... được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Yok Đôn do một đơn vị tư vấn ở Hà Nội lập.  

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh từng ví VQG Yok Đôn như “gái đẹp có nhiều người ngắm” tỏ ra lo lắng. “Mong lãnh đạo địa phương không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phải có chiến lược dài hạn để nền kinh tế bền vững. Với VQG Yok Đôn, đừng đem bất cứ phương tiện cơ giới nào vào rừng. Hãy chỉ tổ chức cho du khách đi xe đạp hoặc những phương tiện không gây tiếng động lớn để ngắm rừng, ngắm thú”, GS Huỳnh nói.

Vườn quốc gia và bài toán khai thác ảnh 1 Đoàn phóng viên đi thực tế vào VQG Yok Đôn

“VQG này có địa hình bằng phẳng, một đỉnh duy nhất là Yok Đôn cũng chỉ cao 400m. Nếu làm cáp treo, doanh nghiệp chỉ có thể mắc lên đỉnh Yok Đôn. Nhưng đó là trái tim của Vườn, nơi mùa khô thú rừng tập trung về để tìm bóng mát và nguồn nước. Nếu triển khai dự án cáp treo ở đó chắc chắn các giá trị hiếm có nhất của VQG Yok Đôn sẽ bị phá hủy”

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh 

 
MỚI - NÓNG