Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) tất bật không khí làm việc dù cận kề dịp lễ 2/9. Ngư dân Lê Đức Việt (ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu câu mực QNa 90144 TS, và các bạn tàu đang cùng nhau vận chuyển lương thực, thực phẩm dự trữ cho chuyến vươn khơi. Gạo, mì tôm, rau xanh, nước uống… được đóng thùng, bọc cẩn thận chuyển tay nhau lên tàu để xếp vào khoang chứa.
Con tàu 1.700 mã lực chất đầy đồ nghề và lương thực dự trữ cho 2 tháng ngoài khơi cho 64 ngư dân. Anh Việt cho hay, chuyến biển mới đây “trúng” đậm với 70 tấn mực khô, trừ các chi phí, lãi gần 1 tỷ đồng. Các bạn tàu cùng góp chi phí và hưởng theo năng suất lao động của mình, mỗi người ít nhất cũng được vài trăm triệu đồng nên khá phấn khởi.
Ngư dân thay mới cờ Tổ quốc sẵn sàng vươn khơi. Ảnh: Hoài Văn |
Tam Quang nổi tiếng với nghề câu mực. Nghề này đúng theo nghĩa đen “ngủ ngày, cày đêm”. Tối đến, mỗi người trên chiếc thúng tản ra xung quanh để câu mực xuyên đêm, còn ban ngày thì tranh thủ thời gian xẻ và phơi số mực vừa câu được lên dàn.
Khi công việc chuyên môn xong xuôi thì mới lo đến chuyện cơm nước, ngủ bù. Nghề này cho thu nhập khá, tuy vậy cũng vất vả và nhiều rủi ro. Không ít tai nạn nghề nghiệp, thiên tai đã cướp đi sinh mệnh của bạn tàu. Nhưng nghề truyền thống vẫn được gìn giữ, vừa là kế mưu sinh vừa là niềm tự hào khi trở thành cột mốc sống về chủ quyền trên biển.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 3.000 tàu cá. Theo thống kê, tổng sản lượng khai thác thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 59.300 tấn, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Anh Việt leo lên nóc tàu cẩn thận treo lá cờ Tổ quốc. Anh nói, sau mỗi chuyến biển kéo dài hai tháng trời thì lá cờ treo trước đó đã bạc màu, do vậy mỗi lần vươn khơi thì việc đầu tiên trong khâu chuẩn bị là tự tay treo lá cờ mới. Chuyến vươn khơi lần này của ngư dân tàu QNa 90144 TS trúng dịp Tết Độc lập 2/9.
“Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió lại tràn đầy niềm tin về chuyến biển may mắn, bội thu. Lá cờ thiêng liêng cũng giúp ngư dân thấy yên tâm hơn giữa biển lộng trùng khơi”, ngư dân Việt chia sẻ.
Cạnh đó, tàu cá QNa 95539 TS cũng tất bật chuyển đồ lên tàu để chuẩn bị ra khơi. Ngư dân Trần Công Hiếu vừa làm vừa hối nhắc bạn tàu kiểm tra vật dụng. Kéo hộc tủ thấy còn những lá cờ Tổ quốc dự phòng, anh mới yên tâm. “Cờ Tổ quốc là không thể thiếu trong mỗi chuyến vươn khơi. Tàu dầm vài tháng trời trên biển nên cờ rất dễ bị phai hoặc rách, do vậy luôn phải dự trữ để thay”, anh nói.
Con tàu 1.100 CV sẽ chở anh cùng 43 bạn tàu vươn khơi xuyên lễ. Dù thời gian ở bờ chưa được bao lâu nhưng ngư dân tranh thủ ra khơi vì sau chuyến này đã vào mùa mưa bão. Anh nói, những chuyến vươn khơi xuyên Tết, xuyên lễ với ngư dân đã trở nên quen thuộc, và họ chọn cách tận hưởng kỳ lễ theo cách riêng. Dịp lễ, ngư dân ngồi lại, cùng nhau ăn bữa cơm đầm ấm, chuyện trò chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt.
“Mỗi người dân Việt Nam luôn tự hào về nền độc lập dân tộc và mỗi người có cách hưởng ứng khác nhau. Với ngư dân, khi nhìn lên lá cờ Tổ quốc thì niềm tự hào dân tộc luôn thôi thúc, và tự hào rằng mình đang là những cột mốc sống chủ quyền trên biển”, anh Hiếu chia sẻ.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cho hay, đội tàu hùng hậu thường xuyên vươn khơi bám biển. Cùng với việc tư vấn, hỗ trợ ngư dân, khuyến khích theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác đánh bắt, ngành chức năng tỉnh cũng nỗ lực tuyên truyền cho ngư dân thực hiện tốt các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU.