Vũng Chùa - những ngày mong chờ Đại tướng

Vũng Chùa - những ngày mong chờ Đại tướng
TP - Người dân xứ Vũng Chùa, xã Quảng Đông, Quảng Trạch (Quảng Bình) những ngày này đan xen nhiều tâm trạng. Họ cạn nước mắt vì Đại tướng qua đời, nhưng lại mong ngóng từng phút, từng giây đến ngày đón Đại tướng về với quê hương.

> Con gái Tướng Giáp: ‘Ba tôi chọn Vũng Chùa - Đảo Yến từ năm 2006’
> Nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng nằm ở Vũng Chùa - Đảo Yến

Nơi ấy yên bình

Người dân Quảng Đông, từ ngày Bác Hồ qua đời, nhà nào cũng lập ban thờ. Nay trên ban thờ ấy lại có thêm một lư hương thờ bác Giáp- cách gọi tôn quý và trìu mến của người dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ cụ già đến em bé, niềm tự hào hiện rõ trên mỗi khuôn mặt, vì quê hương vinh dự là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của một người con kiệt xuất của dân tộc.

Nhà anh Chu Văn An, Bí thư chi bộ thôn Thọ Sơn nằm ngay dưới chân núi Rồng - ngọn núi có hình chiếc mũi con rồng, ngạo nghễ vươn ra đại dương, nói anh thực sự xúc động khi biết đây sẽ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của một Đại tướng lừng danh mà anh luôn tôn kính. “Từ khi nghe tin bác Giáp sẽ về an táng tại núi Rồng, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, ra sau nhà, ngắm mặt trời mọc lên từ mỏm núi Rồng. Cảm xúc thật lạ. Tôi đếm từng phút từng giây, trông chờ đến ngày Chủ nhật. Đó sẽ là một ngày đặc biệt, một ngày lịch sử không bao giờ lặp lại. Chúng tôi tự hào lắm” - anh An bộc bạch.

Dẫn chúng tôi ra phía chân đồi, chỉ tay về hướng núi, anh An kể: Thuở thiếu thời, những lần theo ông nội lên lượm củi, vui chơi trên núi Rồng, anh đã được ông kể cho nghe những câu chuyện thú vị, đậm màu huyền sử về ngọn núi, về Vũng Chùa, đảo Yến. “Vì sao ở đó được gọi là Vũng Chùa? Ông nội tôi kể rằng: Đảo Yến, mũi Rồng và mũi Ông, cả ba thực thể này hợp lại như thế kiềng ba chân vây quanh cái vịnh nhỏ Vũng Chùa. Hằng năm bão gió tơi bời đánh thẳng vào miền miệt biển nơi này, nhưng thật lạ, Vũng Chùa luôn sóng yên biển lặng. Ngư dân ở Cảnh Dương thường cho tàu thuyền vào trú tránh. Trong tiềm thức của họ, dường như có một sự bao bọc, chở che nào đó”.

Anh Chu Văn An - Bí thư chi bộ thôn Thọ Sơn: “Núi Rồng, Vũng Chùa là nơi yên bình”
Anh Chu Văn An - Bí thư chi bộ thôn Thọ Sơn: “Núi Rồng, Vũng Chùa là nơi yên bình”.

Anh An cũng như nhiều bô lão ở làng Thọ Sơn không thể hiểu vì sao có tên Vũng Chùa. Có thể đơn giản là đảo Yến ngày xưa có một ngôi chùa, hay cái vịnh nhỏ này bình yên, tĩnh lặng thâm nghiêm như không gian nhà chùa? Cụ Tưởng Văn Kế, người làng Thọ Sơn, đã 84 tuổi, từ khi bão tan, chưa ngày nào ông không ra Vũng Chùa. Luôn theo ông là chiếc cần câu cá, nhưng thực ra, ông đến Vũng Chùa để được ngắm mũi Rồng, đảo Yến từ bình minh đến hoàng hôn, để phiêu du trong cái tĩnh lặng.

 Ngoài ngôi mộ đá, ngay giữa lưng chừng núi Rồng còn có hai lạch nước, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông không lúc nào kiệt. Nước trong vắt, mát lạnh. “Các bậc cao niên bảo, đó là long mạch của Vũng Chùa nên luôn nhắc cháu con bảo vệ. Nay hay tin được bác Giáp chọn nơi yên nghỉ cho mình, người dân ở đây như bị một cú sốc vừa khóc cạn nước mắt vừa hồi hộp khắc khoải mong chờ

Cụ Kế nói

Cụ Kế kể, ở trên đỉnh núi Rồng, có một ngôi mộ làm bằng đá. Nếu nhìn vào màu thời gian trên từng tảng đá, dễ đến hơn trăm năm. Không biết ai đã đắp ngôi mộ này, cũng không biết dưới ngôi mộ là ai, danh tướng, người thường hay chỉ là hư không. Ngoài ngôi mộ đá, ngay giữa lưng chừng núi Rồng còn có hai lạch nước, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông không lúc nào kiệt. Nước trong vắt, mát lạnh. “Các bậc cao niên bảo, đó là long mạch của Vũng Chùa nên luôn nhắc cháu con bảo vệ. Nay hay tin được bác Giáp chọn nơi yên nghỉ cho mình, người dân ở đây như bị một cú sốc vừa khóc cạn nước mắt vừa hồi hộp khắc khoải mong chờ” - cụ Kế nói.

Cụ Nguyễn Thực (86 tuổi) cho biết: Từ nhỏ, cụ đã nghe kể rằng, ngôi chùa ở ngoài đảo Yến linh thiêng lắm. Cách đây mấy chục năm thế kỷ trước, chiến tranh tao loạn, máy bay địch ném bom, phá nát ngôi chùa. Độ chục năm về trước, chứng tích của ngôi Chùa chỉ còn một mảng tường và móng cùng bát hương. Đến nay thì không còn gì nữa. Nhưng ngư dân khi ra khơi vẫn thường ghé tàu vào cúng bái. Với họ, thắp một nén nhang ở đảo Yến sẽ yên lòng ra khơi, gặp mưa thuận gió hòa.

Xôn xao miệt biển

“Thôn Thọ Sơn 267 hộ, gần ngàn người dân, đa phần làm nông nhưng nay hết ruộng, bởi khu công nghiệp kế bên hình thành, người ta thu hồi đất. Nói thật, dân đây nghèo lắm, thu nhập bấp bênh, nhưng những ngày này dường như họ quên sự nghèo khó, quên những câu chuyện cơm áo đời thường vì ngóng chờ Đại tướng” - anh Chu Văn An tâm sự.

Cô sinh viên Nguyễn Thị Ngân học ở Đà Nẵng, tranh thủ về quê mấy ngày để được sống trong thời khắc trọng đại này nói: “Em vẫn ngỡ như trong mơ”. Ngày thường, bà Lê Thị Hồng nấu một nồi rượu. Mấy hôm nay nghỉ hẳn. “Không có tâm trạng mà làm gì chú ạ, chỉ thấp thỏm ngóng và chờ thôi!” - bà Hồng bày tỏ….

Cách đó không xa, ông Lê Huy Hoàng ở thôn 19-5, sau khi thắp nén hương lên ban thờ Bác Hồ và Đại tướng, cứ nắm chặt tay chúng tôi hỏi dồn dập: “Thiệt rồi hả chú, chắc chắn rồi hả chú?”. Ông Hoàng kể, khi hay tin Đại tướng qua đời trên truyền hình, cả nhà ông đã bật khóc. Ông vội vã lấy máy ảnh chụp lại hình Đại tướng trên ti vi, rồi kính cẩn đặt ngay cạnh ban thờ Bác Hồ.

Cũng không có gì lạ khi khu vực Vũng Chùa những ngày này được thắt chặt an ninh, người không phận sự cấm vào. Cánh phóng viên thanh thản chấp nhận giới hạn này. Ai cũng hiểu, cần sự tĩnh lặng, yên bình, thâm nghiêm trước ngày Đại tướng yên nghỉ ở đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG