Vui buồn đời ve chai

Từ ngày phát hiện số tiền chị Hồng liên tục nhận được điện thoại
Từ ngày phát hiện số tiền chị Hồng liên tục nhận được điện thoại
TP - Câu chuyện hi hữu vợ chồng người lượm ve chai tại TPHCM tìm thấy 5,2 triệu yen Nhật (tương đương hơn 1 tỷ đồng) trong chiếc loa cũ họ mua được đã làm xôn xao dư luận.

Và người mua bán ve chai đột ngột trở thành những kẻ “nổi tiếng bất đắc dĩ” đến mức họ phải ẩn thân như thể những ngôi sao chạy trốn công chúng tò mò lẫn “hâm mộ” vậy!

Lộc trời

Theo những người bán vé số nhận xét thì “Bán vé số chỉ cần mỗi ngày bán chừng một trăm vé, là có thu nhập ổn định. So với nghề lượm ve chai, có ngày chỉ bán được dăm chục ngàn nhưng đôi khi lượm được những món hời giá trị cả triệu bạc”. Nhận xét ấy quả không sai.

Chị Thanh, một người lượm ve chai ở quận 3 kể rằng có khi người ta bán sách cũ như bán giấy lộn. Anh Tuấn, một người chơi sách cổ nói rằng, người chơi sách đã từng mua một gánh sách quý của người bán giấy vụn với giá mấy chỉ vàng. Số là chị này được một gia đình trí thức lúc sa cơ kêu tới bán sách như bán giấy vụn để chuyển đi nơi khác sống. 

Thứ đến là đồ đồng. Hiện giá thu mua đồng ve chai hơn 200 ngàn đồng/kg. Đồng có nhiều trong dây điện, một số máy móc, may mắn kiếm được dăm kg thì hôm đó thắng to. Vài thứ hiếm như đèn cũ, radio cũ, họ thu lượm cũng được khá. Linh mục Nguyễn Hữu Triết, tay chơi đồ cổ lừng lẫy nói với tôi rằng: “Không ít đồ cổ như lọ nước hoa, đèn cổ… tôi mua được từ những người bán đồng nát. Họ thường xuyên liên lạc với tôi”.

Vui buồn đời ve chai ảnh 1

Bữa cơm vội vã lúc 3 giờ chiều

Chị Minh lượm đồng nát ở Gò Vấp cho biết đôi khi họ cũng lượm được tiền mặt hẳn hoi, ngoài may mắn còn phải kiên trì. “Phải lật giở từng trang sách cũ mà gia chủ vứt ra, tìm những dấu hiệu bất thường”.

“Con Hồng đi đâu thấy người ta vứt ông địa đều đem về thờ. Nào địa ông, địa bố, địa con nhiều như thế đấy”.

Cô Ái

Họ lượm được những cái phong bì tiền ai đó cất giấu mà quên bẵng. “Ít thì dăm trăm, nhiều có khi vài triệu đồng”. Chị này tặc lưỡi: “Không kiên trì, đem sách báo và kẹp tài liệu ra bán cân giỏi lắm chỉ được chục bạc”. Trường hợp khác là thu dọn sau đám cưới: “Người ta lượm được cả những cái phong bì chưa mở, hoặc mở rồi mà vì lý do nào đó chưa kịp rút hết tiền mừng ra. Loại này từ dăm trăm đến một triệu, nhưng hiếm hơn”.

Trường hợp của vợ chồng anh Vương, chị Hồng trú tại phường 10, quận Tân Bình, TPHCM vô tình phát hiện được 5,2 triệu yên Nhật quả cực kỳ hiếm. 

“Không ai nghĩ trong cái loa cũ lại có tiền” - gần 20 người làm nghề đồng nát trú tạm trong ngôi nhà cũ kỹ cho biết. “Vợ chồng anh Vương chị Hồng mua được cái loa từ trước Tết cơ, họ nghĩ là dỡ ra bán sắt chẳng được mấy tiền nên cứ để mặc kệ thế. Hôm vừa rồi mọi người bảo chúng mày để cục sắt ấy mãi chật nhà quá đi, mới phải đem ra ngõ để đập, dỡ ra lấy sắt. Không ngờ trong ấy lại có tiền nước ngoài” – chị Trang sống cùng nhóm ve chai tủm tỉm nói.

Bỗng dưng nổi tiếng

Gia đình cô Ái ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, một vùng đất cách mạng. Cô nói: “Bố của Vương tham gia cách mạng, bị địch bắt, năm 1974 vượt ngục về, hiện hưởng chế độ thương binh loại 2”. Đất đai ở quê vẫn còn, nông nghiệp thu nhập thấp, vợ chồng Vương gửi hai đứa con cho nội ngoại rồi vào Sài Gòn lượm ve chai đã được 10 năm.

“Chúng nó vất vả quá nên mới phải xa con cái từ nhỏ để vào Sài Gòn mưu sinh” – người làng kể. Họ chỉ cho tôi bàn thờ có đến vài chục ông địa “đồng nát” mà chị Hồng thờ: “Con Hồng đi đâu thấy người ta vứt ông địa đều đem về thờ. Nào địa ông, địa bố, địa con nhiều như thế đấy”.

Vui buồn đời ve chai ảnh 2

Vợ chồng trúng 5,2 triệu yen Nhật đã về quê, cô Ái - cô ruột của họ vẫn tiếp tục công việc ở Sài Gòn

Cô Ái là cô ruột của anh Vương nói: “Cháu tôi vất vả quá, học hành không đến nơi đến chốn, đọc chữ tác ra chữ tộ, gần như mù chữ. Nó dỡ loa ra thấy tiền, lại cứ tưởng tiền âm phủ, bèn cho mỗi người một ít. Trong ngõ người ta đem tiền ấy ra tiệm vàng đổi, thì được tiền ta, thế là ào tới xin. Không cho nữa, họ bèn gọi điện báo công an tới lập biên bản”. 

Vợ chồng làm biên bản, nộp tiền cho công an – “Mọi việc xong rồi – cô Ái nói – chúng nó thấy nhiều người quan tâm quá, báo chí đưa lên ở quê ai cũng biết. Trong ngoài nước biết cả. Vợ chồng nó chỉ muốn yên ổn làm nghề ve chai, nên đã về quê. Một tháng nữa, mọi việc lắng đi, chúng nó lại vào đi lượm ve chai nữa, chứ còn biết làm gì?”.

Ngôi nhà cũ kỹ, do chủ vựa cho mượn không thu tiền, có một cái gác gỗ. Trên gác chừng 15 người trú ngụ. Tầng dưới, ưu tiên cho vợ chồng trẻ Vương và Hồng. Họ nằm nghỉ trên cái đệm ve chai và cả cái chiếu trúc rách nát cũng lượm của người ta vứt đi. Hạnh phúc như vậy đã chục năm giữa Sài Gòn phồn hoa.

Cô Ái nhận xét về cháu dâu: “Cái Hồng biết điều lắm, nó khổ quá quen rồi mà. Việc nhà chồng, nó đều hết sức vun vén lo toan”. Nhặt được tiền Nhật, thấy người ta đổi được ra tiền ta, vợ chồng cũng ra đổi một ít đem về. Cô Hồng nói: “Nó cho tôi mấy trăm ngàn để lo cơm cháo mấy bữa, nó cũng cho mấy người cùng phòng trọ. Số còn lại đem nộp công an rồi”.

Được, mất

Có lẽ không gì vất vả hơn nghề đồng nát. Mỗi ngày chị Trang đến từ Quảng Ngãi, đi bộ đẩy xe thu gom, lượm, mua bán ve chai từ tám giờ sáng khắp quận Tân Bình, đến ba giờ chiều chị mới về ăn cơm. Chị tự nấu ăn bằng một chiếc bếp dầu. “Mỗi ngày tôi kiếm được từ sáu chục đến hơn trăm ngàn, không dám tiêu gì, gói ghém gửi về quê để sửa nhà, nuôi các cháu, chi tiêu vào giỗ chạp, cưới xin”. 

Vui buồn đời ve chai ảnh 3

Mỗi người một bếp dầu để tiết kiệm

Thỉnh thoảng chiếc xe thùng ba bánh tự chế bị công an tịch thu và các chị phải bỏ ra 600.000 đồng để mua xe mới. Họ không biết đi lượm đồng nát phải dùng phương tiện gì cho hợp pháp? Gia sản vỏn vẹn chiếc xe đạp cũ mèm. Chị Trang kể nhiều người lượm đồng nát đã trên sáu chục tuổi rồi, lên chức bà từ lâu. Vào thành phố, lại cơm niêu nước lọ, đối phó đủ hạng người.

Cái ngôi nhà tiều tụy nơi vợ chồng anh Vương chị Hồng trú tạm bỗng dưng đông nghẹt khi họ trúng được món lộc trời. Người ta tới để xin tiền kín cả ngõ, trong số ấy không ít người khá giả hơn mấy người lượm đồng nát rất nhiều. Không xin được đồng yên nào, họ tỏ ra rất giận dữ. 

Vài người còn tỏ ý nghi ngờ về nguồn gốc những đồng yên kia, liệu có phải đồ ăn cắp không? Cô Ái nói: “Chúng nó không biết trong loa có tiền nên mới đem loa ra ngõ, cách nhà cả chục mét, để tháo dỡ, mới lộ chuyện ra chứ”. Chủ số tiền yên ấy là ai? Cô Ái bảo: “Hẳn họ chết rồi, một số đồng yên bị mục mủn rồi”. Theo quy định, vợ chồng anh Vương đã nộp 5,2 triệu yên cho nhà nước, rồi tùy theo nhà nước phân định quyền sở hữu. Giờ vợ chồng ấy được bao nhiêu, họ cũng không biết.

Câu chuyện may mắn của người làm đồng nát ve chai, theo người trong nghề, giống như “huyền thoại”. Họ chắc chắn là người đầu tiên, nhưng cũng có thể là những người cuối cùng tìm thấy 5 triệu yên trong một chiếc loa không sử dụng được. “Chuyện này cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới thấy” – chị Trang nói, rồi vội vàng đẩy xe đi mất hút vào các ngõ ngách phố phường. Chị còn nhiều việc phải lo hơn là mơ chuyện may mắn như vợ chồng kia.

Tôi biết gia đình anh Năm cũng làm nghề ve chai. Anh chồng sức yếu, ở nhà, vợ sớm tối lượm ve chai bán nuôi chồng con. Mới rồi xóm làng xôn xao việc anh Năm chia tay vợ để theo người đàn bà khác trẻ hơn, khỏe hơn, đẹp hơn, giàu có hơn.

Những người hàng xóm đều lắc đầu ngao ngán: “Vợ nó không làm nghề lượm ve chai thì nó đâu có thua gì ai. Nhưng, không làm nghề ấy, lấy gì nuôi chồng đến hôm nay?”. Cuối cùng, cái giá của sự lam lũ nuôi chồng hóa thành cái họa mất chồng. Quá xấu hổ với xóm làng do bị chồng chê và buồn bã cô đơn, chị Năm đã bỏ làng đi biệt cả năm nay không ai còn thấy chị nữa.

3/2014

Vợ chồng tôi vẫn mua, lượm ve chai thôi

Chị Hồng cho biết, chị đã được công an quận Tân Bình mời đến kí niêm phong toàn bộ số tiền trên để giao cho công an quận xử lý vào chiều 23/3 nhưng đến sáng 24/3, vẫn còn một số người dân đến gặp và một số người gọi điện thoại xin tiền.

Cũng theo chị Hồng, từ hôm hai vợ chồng chị phát hiện số tiền trên thì liên tục nhận được điện thoại của người nhà chúc mừng, ngoài ra còn có nhiều số điện thoại lạ gọi đến hỏi thăm.

Khi được hỏi sẽ làm gì nếu được nhận lại số tiền trên thì chị Hồng nói: “Tôi sẽ trích một ít làm từ thiện, phần còn lại gửi về quê cất căn nhà cho ông bà và hai đứa con ở. Còn lại giữ làm vốn và đầu tư cho các con ăn học. Vợ chồng tôi vẫn mua ve chai như bình thường”.

Theo quy định tại khoản 2 điều 241 Bộ Luật Dân sự năm 2005, sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu đó, phần còn lại thuộc Nhà nước.

Ngô Bình

MỚI - NÓNG