Vừa học trung cấp cải lương, vừa học … bổ túc văn hoá

Vừa học trung cấp cải lương, vừa học … bổ túc văn hoá
TPO - Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao TPHCM thừa nhận nhiều sinh viên lớp trung cấp cải lương hiện nay chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông và các bạn vừa phải học nghề, vừa phải học bổ túc văn hoá.

Ngày 28/9, thường trực HĐND TPHCM đã tổ chức phiên họp giải trình về tình hình đầu tư – hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá trên địa bàn thành phố.

Tại phiên họp, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hoá xã hội HĐND TPHCM chất vấn: Qua khảo sát, việc chiêu sinh đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, phương thức đào tạo chủ yếu là truyền nghề. Năng khiếu thì có nhưng trình độ văn hoá của các em rất hạn chế. Sở Văn hoá Thể thao (VHTT) làm gì để đưa các em vào trường chính quy?

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT thừa nhận: Đảng, Nhà nước và thành phố có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nhưng việc tuyển chọn, đào tạo những người đeo đuổi các loại hình văn hoá truyền thống, như hát bội, múa rối, cải lương rất khó khăn.

Ông Nam dẫn chứng: Loại hình hát bội, TPHCM mời gọi nhiều như có tiền lương, hỗ trợ trang phục, tiền hỗ trợ tập luyện …nhưng không thu hút được. Hiện nay chỉ có 8-12 em, đào tạo theo hướng truyền nghề. Các trường văn hoá nghệ thuật không còn đào tạo nghệ thuật hát bội.

“TPHCM mở một lớp trung cấp cải lương. Có 25 em từ các tỉnh đăng ký học, trong đó có 15 em chưa có bằng cấp 3, phải học bổ túc văn hoá cùng với học nghề”, ông Nam cho biết.

Theo ông Võ Trọng Nam, nghệ thuật hát bội đã trên 1000 năm, gắn với nhiều vùng miền, nhiều thế hệ. Miền Bắc gọi hát bội là tuồng, miền Trung gọi là hát bộ và miền Nam là hát bội. Loại hình này gắn với những lễ hội dân gian. Lễ hội dân gian còn tồn tại, hát bội còn tồn tại, dù có khó khăn.

“Cải lương thông qua đờn ca tài tử, tất cả gắn với đời sống. Những ca cổ gắn với hoạt động đời sống, đờn ca tài tử, cải lương nở rộ tại TPHCM với trên 200 câu lạc bộ đơn ca tài tử. Các cuộc thi như chuông vàng vọng cổ, bông lúa vàng, giải Trần Hữu Trang… số lượng người đăng ký rất nhiều, khán giả đón xem rất đông. Nghệ thuật này sẽ sống mãi nhưng cần có những yếu tố thích nghi để bắt kịp với tiết tấu thực tế của cuộc sống”, ông Nam nói.

MỚI - NÓNG