Vua Charles ngày 23/3. Ảnh: Reuters |
Chuyến thăm của Vua Charles sẽ được lên lịch lại “càng sớm càng tốt” và “trong điều kiện phù hợp với mối quan hệ thân thiện của chúng tôi”, trích tuyên bố do Điện Elysee đưa ra vào ngày 24/3, sau cuộc điện đàm giữa Vua Charles và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Reuters, việc hoãn chuyến thăm là đề nghị của ông Macron, dù trước đó lãnh đạo Pháp hy vọng chuyến thăm sẽ đánh dấu một động thái mang tính biểu tượng trong nỗ lực của hai nước để cải thiện quan hệ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo kế hoạch trước đó, Vua Charles sẽ đến Pháp vào Chủ nhật (26/3) trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, sau đó tiếp tục thăm Đức. Đây là chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi Thái tử Charles lên ngôi vua, kế vị mẹ ông là Nữ hoàng Elizabeth II sau khi bà qua đời vào tháng 9.
Điện Elysee tuyên bố họ hy vọng chuyến thăm sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Tuy hủy chuyến thăm Pháp nhưng chuyến đi của Vua Charles tới Đức vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch.
Việc hủy bỏ chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang lan rộng trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính quyền Tổng thống Macron. Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã có hơn một triệu người xuống đường trên khắp cả nước.
Các thành phố mà Vua Charles dự kiến đến thăm – Paris và Bordeaux – đều là những điểm nóng biểu tình trong những ngày gần đây. Cổng vào tòa thị chính của thành phố Bordeaux đã bị phóng hỏa hôm 23/3. Tại thủ đô Paris, khoảng 119.000 người đã tham gia biểu tình, với một số phần tử quá khích bị cảnh sát xịt hơi cay. Chính quyền cho biết tổng cộng 903 đám cháy đã bùng lên ở Paris hôm thứ Năm. Rác thải cũng không được thu gom kể từ ngày 6/3 do công nhân vệ sinh môi trường đình công.
Người biểu tình ở Bordeaux. Ảnh: Reuters |
Cổng vào Tòa thị chính Bordeaux bị phóng hỏa. Ảnh: Reuters |
Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi chính phủ của Tổng thống Macron đưa ra kế hoạch cải cách lương hưu, trong đó tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Chính phủ đã sử dụng các quyền hiến pháp đặc biệt để thúc đẩy luật thông qua quốc hội mà không cần bỏ phiếu.