COVID-19, công cụ kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp
Chia sẻ với phóng viên (PV), ông Nguyễn Tăng Cường - TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã làm ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Do thực hiện giãn cách nên việc thông thương giữa các địa phương bị hạn chế, nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cũng không ngoại lệ. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng dịch COVID-19 chính là công cụ kiểm tra “sức khoẻ” doanh nghiệp. Từ việc giãn cách, chúng tôi có cơ hội tuyệt vời để tái cơ cấu doanh nghiệp, có thời gian sáng tạo, phát triển thêm 4 sản phẩm mới” - ông Cường nói.
Kỹ sư Tập đoàn Quang Trung đang nghiên cứu, vận hành thiết bị cứu hộ nhà chung cư Ảnh: Đ.H |
Một là giải pháp cứu hộ cứu nạn cho các căn hộ mini, song có thể đáp ứng được cho cả các toà nhà cao tầng. Hiện nay, các thiết bị cứu hộ cứu nạn trên thế giới phải buộc dây vào người rồi thả xuống.
Giải pháp này tôi cho rằng,chỉ phù hợp với thanh niên, vận động viên, còn người già, trẻ em, phụ nữ có thai không phù hợp. Hoặc cách thả người vào ống cao su, cho xoáy xuống, nhưng giải pháp này chỉ phù hợp với tòa nhà cao 7 tầng trở xuống.
“Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi phát triển sản phẩm cứu hộ cứu nạn mini rất tiện lợi và nhỏ gọn, có thể bỏ vào vị trí thích hợp nào đó trong căn hộ, khi cần bỏ ra và sử dụng nguồn điện từ Ắc-quy. Mỗi lần như vậy có thể cứu được khoảng 4 - 5 người trong một gia đình. Người già cũng có thể di chuyển vào cabin, bấm công tắc là xuống đất” – ông Cường nói.
Theo ông Nguyễn Tăng Cường, cái hay của phương pháp này là vừa chống được nóng, vừa chống bị ngạt. Hiện nay, khi các tòa nhà xảy ra hỏa hoạn, tỷ lệ người bị ngạt thường chiếm tới 60-70%, còn chỉ 20-30% trường hợp bị bỏng. Trong khi giải pháp do chúng tôi sáng tạo không chỉ tiện lợi mà còn ưu thế, chủ động, phòng chống ngạt và bỏng hiệu quả.
Sản phẩm thứ 2 là dùng cho các tòa nhà cao tầng, đông người, một lúc có thể cứu được 6 tầng với khoảng 500 người. Theo đó, thiết bị cứu hộ do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thiết kế 1 lần hạ xuống có thể cứu được 500 người. Đây là sản phẩm mới, đang trong quá trình đề nghị các bộ ngành thẩm định, đánh giá.
Sản phẩm thứ 3, áp dụng cứu hộ cứu nạn các toà nhà văn phòng cho thuê và nhà hàng. Sản phẩm thứ 4, ông Cường cho biết đó là thiết bị nâng hạ xe Container mini.
“Hiện nay, hệ thống container từ các cảng biển về địa phương phải nâng lên hạ xuống rất khó khăn. Các doanh nghiệp phải thuê xe cẩu khác đến, vừa mất thời gian, vừa tốn kém và bị động. Trong khi sản phẩm của chúng tôi gắn luôn trên hệ thống xe, thao tác nhanh gọn, giá thành hợp lý” - ông Cường nói.
Đánh thức tiềm năng vận tải thủy
Trao đổi với Tiền Phong, “vua” cần cẩu đất Ninh Bình cho biết, ở các nước tiên tiến, ước tính có khoảng 80% khối lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường thủy, chủ yếu là đường thủy nội địa, đường biển. Trong khi đó, ở Việt Nam tập trung quá nhiều vào đường bộ. Chúng ta đầu tư rất nhiều tiền vào đường bộ, song vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Ngược lại, ngày càng gây áp lực lên hệ thống đường bộ, gây ách tắc, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, chi phí vận chuyển bằng đường bộ rất cao.
Trong khi đó, tiềm năng kinh tế từ vận tải đường thủy rất lớn nhưng gần như bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm.
“Đại gia” Nguyễn Tăng Cường chỉ rõ: Thật ra cũng có doanh nghiệp quan tâm, nhưng đang bị vướng 5 nút thắt. Cả nước có 101 cửa sông thì 101 cửa sông bị bồi lắng, nhiều nơi thậm chí lội bộ qua được. Nhưng bên trong cửa sông thì rất sâu, có nơi sâu tới 10-12m, khiến tàu bè đi lại khó khăn, phải chờ thủy triều lên.
Thứ 2, do không có tính toán lâu dài nên hầu hết cầu đường bộ bắc qua sông hiện nay để phần lưu thông cầu rất thấp.
Thứ 3, hệ thống cửa sông, luồng lạch hàng năm không có kinh phí nạo vét, bồi lấp ngày càng nhiều.
Thứ 4, hầu hết cảng sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng không có thiết bị bốc dỡ. Nguyên nhân vì lâu nay không có tàu lớn đi vào, năng lực vận tải thủy khiêm tốn nên không được quan tâm đầu tư.
Thứ 5, việc kết nối vận tải đường sông và đường biển còn nhiều hạn chế. Tàu sông không ra biển được, tàu biển thì không vào sâu được cảng sông.
“5 nút thắt này làm cho vận tải sông và biển bị kìm hãm, khiến ngành dịch vụ logistics không phát huy được. Vận tải thủy có nhiều lợi thế như giá thành rẻ, ít bị ách tắc, ít xảy ra tai nạn…, nhưng do chưa khai thác được, dẫn tới lãng phí tiềm năng, thiệt hại cho nền kinh tế”- ông Cường nói.
“Vua” cần cẩu cho hay: “Muốn khai thác tốt tiềm năng kinh tế của loại hình vận tải thủy, về phía Nhà nước tôi đề xuất 3 vấn đề: Khơi thông các khu vực cửa sông; đưa ra công nghệ để nâng cao tĩnh không của các cây cầu bắc qua sông; dành ra một lượng kinh phí nạo vét giao thông đường thủy hàng năm”.
“Tôi cống hiến các giải pháp này để các bộ ngành và kể cả các doanh nghiệp khác cũng có thể nghiên cứu áp dụng, cùng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Ông Nguyễn Tăng Cường
Về phía tư nhân, sẽ đầu tư hệ thống cảng sông để lắp thiết bị có khả năng bốc dỡ; nghiên cứu, sản xuất các mẫu tàu phù hợp đi được cả đường sông và đường biển.
“Trước mắt, tôi đề xuất lắp một số thiết bị cần cẩu trên các tàu đi đường sông, để khi qua cầu ta có thể điều chỉnh cẩu nằm xuống, giúp tàu đi qua dễ dàng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung có thể đóng góp 2 giải pháp: Một là làm cho các cửa sông không bị bồi lắng. Hai là nâng tĩnh không của các cây cầu thêm vài mét nữa mà không cần phải đập bỏ cầu cũ. Nếu được, tôi xin đề nghị bộ, ngành liên quan thành lập 1 tổ giúp việc để triển khai 2 vấn đề nói trên” - ông Cường nói.
Ông Cường chia sẻ, đã có hàng chục năm lặn lội nghiên cứu, thử nghiệm về thuỷ triều, việc bồi lắng tại các cửa sông và rất muốn hiến kế công trình khoa học này cho nhà nước.
“Giải pháp thứ nhất, chúng tôi sẽ dùng “độc trị độc”, hoàn toàn bằng công nghệ tự nghiên cứu.
Nếu chúng ta nắm được quy luật của dòng chảy sông và thủy triều,sẽ thu hẹp dòng chảy, tạo ra áp suất theo nguyên tắc vật lý với vận tốc 2m/s sẽ hạn chế được bồi lắng vùng cửa sông nhưng vẫn giữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu...