Thông tin với PV Tiền Phong về sự việc, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển Anh Duy (Cty Anh Duy) cho rằng, theo quy định lâu nay, các sự cố về trông xe liên quan đến thiên tai, địch họa thì Cty sẽ chấp nhận để các bên vào tiếp nhận hiện trường, sau đó giải quyết theo bảo hiểm. “Do vậy, sự việc liên quan đến chiếc xe Lexus Cty không thể làm gì được”, ông Thắng nói.
Đề cập đến sự việc xảy ra từ 14 giờ chiều qua nhưng đến chiều nay, Cty (bên nhận trông xe) chưa có liên hệ với chủ xe (khách hàng bị thiệt hại) để bàn các giải pháp tháo gỡ, ông Thắng cho biết, chúng tôi chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong đó có công an, Cty Công viên cây xanh để giải quyết, chứ không giải quyết với bên ngoài. Cũng theo ông Thắng, đơn vị ông được đại diện thành phố Hà Nội cấp phép cho tổ chức trông xe trên phố Tô Hiến Thành và mọi chủ trương, chính sách trông xe phải tuân thủ theo quy định thành phố, trong đó giá trông xe cũng chỉ thu được 25.000 đồng/lượt.
Một số Luật sư cho rằng, ở vụ việc trên, hai đơn vị có liên quan trực tiếp là Cty Công viên cây xanh và Cty Anh Duy không làm biên bản hiện trường là thực hiện không đúng quy định. Hơn nữa, đổ lỗi sự việc do sự cố ngoài ý muốn và thiên tai, địch họa là có dấu hiệu “phủi” trách nhiệm.
Phân tích sâu hơn nhận định trên, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt cho rằng, thời điểm cây đổ trời không mưa gió thì không thể đổ cho thiên tai, địch họa được. Hơn nữa, hiện trường cho thấy, cây bị đổ là do mục gốc và việc này người dân tại đây đã từng báo cho Cty Cây xanh biết.
“Như vậy có thể khẳng định, cây đổ trên phố Tô Hiến Thành vừa qua không phải do thiên tai; Cty Công viên cây xanh phải là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên, tiếp đó là Cty Anh Duy trong vụ ô tô bị cây đè bẹp này”, luật sư Nam khẳng định.