Xe ưu tiên đi trên đường không ưu tiên
Nói về vụ tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa làm 1 người chết, 6 người bị thương xảy ra trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3, ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, nguyên thành viên tổ soạn thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho biết: Theo Luật Giao thông đường bộ, xe cứu hỏa được đi ngược chiều trên mọi tuyến đường, kể cả đường cao tốc. Tuy nhiên, cũng tại Luật này và bộ sách 450 câu hỏi để giảng dạy và thi sát hạch lái ô tô cũng nêu rõ, khi lái xe từ đường nhánh (đường không ưu tiên) ra đường chính (đường ưu tiên) phải quan sát; đảm bảo an toàn thì mới đi vào đường chính bằng việc đi sát lề bên phải, sau đó mới từ từ tiếp cận làn đường ngoài cùng.
“Dù xe ưu tiên hay không ưu tiến, khi đã ngồi điều khiển phương tiện, lái xe buộc phải tuân thủ quy tắc này”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, tuy là xe ưu tiên nhưng trong vụ tai nạn chiều 18/3, xe cứu hỏa đã đi trên đường không ưu tiên, còn xe khách đi trên đường được ưu tiên. “Nguyên tắc lưu thông trên đường và Luật cũng quy định, khi đến điểm giao nhau, xe đi trên đường không ưu tiên (đường nhánh, đường gom) phải nhường cho phương tiện đi trên đường ưu tiên (đường chính, chạy thẳng). Tuy nhiên, trong vụ tai nạn xảy ra chiều 18/3, lái xe cứu hỏa đã không tuân thủ quy tắc này.
Ông Ngô Anh Tuấn, một giáo viên dạy sát hạch lái xe tại sân đạo tạo lái xe Ngọc Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, với trường hợp của tài xế xe cứu hỏa, có nhiều cách để tiếp cận đường cao tốc, tránh tai nạn đáng tiếc.
Thứ nhất, khi chạm đường cao tốc, xe cứu hỏa cần đi chậm lại vài giây để quan sát; thấy an toàn mới tiếp cận làn đường muốn lưu thông; Thứ hai, khi từ đường nhánh, tài xế có thể tiếp cận ngay làn đường trong cùng (làn dừng khẩn cấp) để lưu thông mà không ảnh hưởng đến các phương tiện đi chiều ngược lại.
Tuy nhiên, quan sát clip ghi lại hành trình của xe cứu hỏa từ đường nhánh vào cao tốc, tài xế không hề dừng lại để quan sát, thậm chí từ mép đường cao tốc đến khi xảy ra tai nạn với xe khách (làn ngoài cùng, thứ 4) xe cứu hỏa chỉ chạy hết có 7 giây.
Theo ông Anh Tuấn, không giáo viên và sách vở nào dạy lái xe từ đường nhánh (không ưu tiên), tiếp cận đường chính (ưu tiên) như thế.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhìn nhận, tuy là phương tiện ưu tiên nhưng khi lưu thông trên đường xe cứu hỏa cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy trình vận hành, trong đó có quy trình về phương tiện (bật đầy đủ đèn, còi…) và quy trình về di chuyển (đảm bảo an toàn cho mình cho phương tiện trên đường mới lưu thông)...
Ai là người chịu trách nhiệm?
Ngoài thiệt hại về tài sản (cả xe khách và xe cứu hỏa đều hư hỏng nặng), vụ tai nạn chiều 18/3 còn làm cho 1 người chết và 6 người bị thương. Theo quy định, với mức độ thiệt hại nghiêm trọng như vậy nhiều khả năng cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ; từ đó có cơ sở xác định đối tượng vi phạm để khắc phục những hậu quả.
Khi đề cập đến trách nhiệm của lái xe cứu hỏa những ngày qua, lãnh đạo Phòng PCCC và Cứu hộ cứu nạn số 12 (Công an PCCC Hà Nội) cho rằng, xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều vào đường cao tốc và lái xe đã đi đúng thẩm quyền. Vậy ai phải chịu trách nhiệm trong vụ này?
Ông Thân Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo các số liệu được trích xuất từ camera giám sát, thời điểm xảy ra tai nạn tài xế xe khách đã đi đúng làn đường và lưu thông dưới vận tốc cho phép. Khi gặp xe cứu hỏa cắt ngang đường để chạy ngược chiều, trong điều kiện đường ướt, mưa mù, tài xế xe khách không còn cách nào khác là phải tông thẳng vào xe cứu hỏa.
“Từ các dữ liệu đã thu thập được, tôi cho rằng tài xế xe khách đã đi đúng phần đường, tốc độ; còn xe cứu hỏa tôi nói thẳng là tài xế non kinh nghiệm”, ông Thanh nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan công an cần nhìn nhận đúng vấn đề để từ đó có các giải pháp chấn chỉnh nghiêm túc, nhằm tránh những vụ tai nạn tương tự xảy ra.
Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: không có lý do, bằng chứng gì quy kết tài xế xe khách chạy sai. Với những gì diễn ra ở hiện trường và được camera giám sát ghi lại luật sư Nam cho rằng, 100% xe cứu hỏa sai.
“Về mặt thực tiễn, nếu xe khách họ phát hiện ra sự nguy hiểm thì đương nhiên sẽ phải xử lý tình huống. Về quy định pháp luật, xe cứu hoả chạy ngược chiều vào đường cao tốc khi chưa có sự hỗ trợ của CSGT để đảm bảo an toàn là sai luật. Không phải cứ xe ưu tiên mà bất chấp tính mạng, tài sản của người khác, ưu tiên cũng phải nằm trong ngưỡng cho phép”, luật sư Nam nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Tiền Phong về tình huống lái xe cứu hỏa chạy cắt mặt để đi vào đường cao tốc (làn đường ngoài cùng), một lãnh đạo cấp phòng, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu quan điểm, tuy xe cứu hỏa được đi ngược chiều trên cao tốc, nhưng với tình huống xảy ra tai nạn chiều 18/3 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tài xế đã xử lý non kinh nghiệm.