Hiện trường vụ tai nạn. |
‘Khi xảy ra tai nạn, em không biết đã gây ra việc gì. Lúc đấy bao nhiêu người hỏi, em chỉ biết xua tay xin lỗi, xin lỗi…”, VTV dẫn lời khai của tài xế Hà Thanh Hưng (SN 1977, trú tại Hà Đông) ở cơ quan công an sau vụ việc.
Cũng theo VTV, tài xế Hà Thanh Hưng cho biết có tiền sử bị bệnh động kinh nặng.
Theo lời một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, sau khi gây tai nạn, tài xế Hưng ngồi bên trong xe khoảng 5 phút, người dân xung quanh đập cửa thì mới ra ngoài.
Còn theo cơ quan công an, theo điều tra ban đầu và lời khai của tài xế Hà Thanh Hưng, nguyên nhân vụ tai nạn do anh ta đã cố vượt sai quy định và không làm chủ được tốc độ.
Quá trình kiểm tra sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng không phát hiện nồng độ cồn, ma túy trong cơ thể tài xế Hưng.
Trước đó vào khoảng hơn 20h ngày 28/7, Hưng lái xe ô tô Hyundai Santafe lưu thông theo hướng từ phố Ngô Thì Nhậm ra ngã tư Quang Trung và xảy ra va chạm với 2 ô tô khác trên đường. Sau đó, xe Hyundai Santafe tiếp tục di chuyển và đâm vào nhiều xe máy, ô tô khác đang dừng đèn đỏ phía trước.
Vụ việc khiến 1 người tử vong tại chỗ là bà Mai Thị T.Th (SN 1976, trú tại Hà Đông, Hà Nội), 5 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, có tới 4 ô tô và 6 xe máy, xe đạp điện bị hư hỏng nặng.
Do vụ tai nạn có phương tiện và nạn nhân liên quan đến quân đội nên Công an quận Hà Đông đã lập hồ sơ ban đầu và sau đó bàn giao cho Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng tiếp tục xử lý theo quy định.
Người động kinh có được cấp bằng lái xe ô tô?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 quy định một số trường hợp không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.
Cụ thể, đối với người lái xe hạng A1 không rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; liệt vận động từ 2 chi trở lên.
Đối với nhóm 2 dành cho lái xe hạng B1 không mắc rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ trong 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị); liệt vận động từ 2 chi trở lên; hội chứng ngoại tháp; rối loạn cảm giác sâu; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý.
Nhóm số 3 là lái xe các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E… không mắc rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính; động kinh; liệt vận động một chi trở lên; hội chứng ngoại tháp; rối loạn cảm giác nông hoặc rối loạn cảm giác sâu; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý.
Như vậy, trường hợp tài xế Hưng mắc động kinh thì sẽ không được cấp giấy phép lái xe ở nhóm số 3 và cũng có thể không được cấp cả bằng lái xe hạng B1.
Tuy nhiên, trả lời trên báo Giao thông, vợ tài xế Hưng cho biết, chồng mình mắc động kinh từ năm 2003 và thường xuyên phải uống thuốc điều trị. Lần gần đây nhất vào năm 2020, tài xế Hưng vẫn bị bác sĩ kết luận mắc bệnh động kinh.
Vợ tài xế Hưng cũng cho biết, tài xế này được cấp Giấy phép lái xe năm 2014.