Vụ Trịnh Sướng và đồng phạm làm xăng giả: Luật sư chê kiểm sát viên 'keo kiệt'

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa
TP - Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Đắk Nông chấp nhận nhiều nội dung bào chữa cho bị cáo, song vẫn giữ nguyên hoặc giảm rất ít mức án đã đề nghị trước đó khiến luật sư cho rằng quá “keo kiệt”.

Trong hai ngày 17 và 19/4, phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trịnh Sướng và 38 đồng phạm sản xuất, buôn bán xăng giả tiếp tục phần tranh luận giữa đại diện VKSND với luật sư bào chữa cho các bị cáo trong nhóm của Nguyễn Thị Thu Hòa - (Phó Giám đốc điều hành Cty TNHH MTV Phạm Sơn, TP Cần Thơ). Bị cáo Hòa là người cung cấp dung môi cho nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trong vụ án.

Theo cáo trạng, người mua dung môi của Hòa nhiều nhất là vợ chồng Hoàng Thụy Minh Việt - Nguyễn Thị Kim Loan (Đồng Nai) với số lượng hơn 20 triệu lít. Số dung môi này, Việt-Loan pha với xăng thật và bột màu để cung cấp cho 2 cây xăng của gia đình và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Đắk Nông. Vợ chồng Việt - Loan cùng bị VKSND đề nghị phạt từ 5-6 năm tù.

Luật sư Huỳnh Đạt bào chữa cho bị cáo Việt và Loan cho rằng, mức phạt trên quá nghiêm khắc. Vị luật sư đưa ra nhiều luận cứ để phản biện về số lượng dung môi mà đại diện VKSND truy tố cũng như các tình tiết giảm nhẹ cho hai bị cáo. Người giữ quyền công tố chấp nhận một phần nội dung bào chữa (rút số lượng dung môi bị truy tố từ hơn 20 triệu lít xuống còn 774 nghìn lít), song vẫn giữ nguyên mức án đề nghị trước đó.

Đại diện VKSND cũng chấp nhận nhiều yêu cầu nội dung bào chữa cho bị cáo Hòa nhưng chỉ đề nghị lại mức án từ 7 đến 7 năm 6 tháng tù (trước đó ở phần luận tội là 7 đến 8 năm tù). Lập tức, luật sư bào chữa cho bị cáo Hòa cho rằng, mức giảm trên (6 tháng) là quá “keo kiệt”. “Trong đầu tôi bùng lên ý nghĩ cơ quan buộc tội ác ý với bị cáo Hòa là có thật”, vị luật sư nói gay gắt. Theo người bào chữa cho bị cáo Hòa, việc Hòa bán dung môi là giao dịch thương mại và thực tế Hòa không hướng dẫn cách pha chế xăng giả cho khách hàng, nên bị cáo Hòa lẽ ra phải được coi là “vô tội”(?)

Nghe đến đây, một kiểm sát viên “phản pháo”: “Chúng tôi buộc tội là đưa ra những luận cứ trình HĐXX để xem xét. Luật sư cũng có quyền đưa ra những chứng cứ bào chữa trình HĐXX. Đây không phải là lớp học về sơ cấp luật để nghe luật sư giảng. Và luật sư cũng không nên nói những lời có tính xúc phạm. Ở đây, mọi người đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật, chứ không có chuyện xin-cho, để rằng nói “keo kiệt” hay không “keo kiệt”.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Hòa không đồng ý cáo buộc liên quan đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả. Bị cáo nhiều lần nói to trước tòa rằng, những nội dung khai với cơ quan điều tra đều bị “ép cung”, do điều tra viên đọc từ đầu đến cuối để ghi vào biên bản và ký. Trả lời HĐXX, những điều tra viên tham gia vụ án khẳng định họ làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, từ năm 2017, dù biết vợ chồng Việt - Loan, Nguyễn Văn Hướng (Đắk Nông), Nguyễn Ngọc Quan (TPHCM) mua dung môi, hóa chất làm xăng giả, nhưng Nguyễn Thị Thu Hòa vẫn bán tổng cộng 22,8 triệu lít dung môi các loại trị giá 292 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.