“Giằng co” hay bị bắn ?
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, vào khoảng 23 giờ ngày 20/1/2016, Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) điều khiển ô tô chở nhóm bạn, cùng Trần Kiêm Hoàng (đi xe mô tô) đến ăn tối tại một quán phở đoạn đường Phan Chu Trinh giao với đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột.
Lúc này, Nguyễn Anh Kha và Nguyễn An Tuấn ngồi trong quán trước đó đuổi đánh nhau chạy quanh xe Lộc. Thấy vậy, Lộc nói: “Tụi mày thích đánh nhau không?”. Lập tức Kha trả lời: “Ừ tao thích đó”, rồi xông vào đấm Lộc một cái vào bụng. Lộc lấy một khẩu súng K59 cất giấu trong người bắn chỉ thiên một phát, nhưng Kha vẫn tiếp tục lao tới để đánh. Trong lúc “giằng co”, súng nổ, đạn trúng người anh Kha.
Hoàng lấy súng của Lộc bắn chỉ thiên khiến 2 người đi với Kha bỏ chạy. Thấy anh Kha khụy ngã xuống đường, Hoàng lao tới dùng chân đá thẳng vào mặt nạn nhân. Anh Kha đã chết tại bệnh viện ngay sau đó, vì thương tích quá nặng.
Ngày 21/1/2016, Lộc đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đầu thú, đồng thời giao nộp khẩu súng K59 với 6 viên đạn. Còn Hoàng bỏ trốn, đến ngày 27/1/2016 thì bị bắt giữ tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, vết đạn được bắn từ trên vai phải hướng xuống dưới cơ thể nạn nhân ở cự li gần, khiến anh Kha bị vỡ nát cung xương sườn bên phải, xuyên đỉnh thùy phổi trái, xuyên bao ngoài tim, rách tâm nhĩ phải, xuyên cơ hoành phải, xuyên từ mặt xuống mặt dưới gan, xuyên bờ cong nhỏ dạ dày xuống ruột non… Từ đó, bà Nguyễn Thị Lan (mẹ của Kha) cho rằng, Lộc đã dí súng vào vai bắn ở cự li gần khiến con bà tử vong.
Ngày 3/8/2017, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên xử Trần Kiêm Hoàng 18 năm tù về tội “Giết người”. Đối với Nguyễn Xuân Lộc, nhờ hồ sơ ghi nhận có tiền sử bị tâm thần, thể hiện tại Bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Trung ương phân viện phía Nam TP Biên Hòa; Trung tâm pháp y Tâm thần khu vực Tây Nguyên, nên chưa đủ năng lực để làm việc với cơ quan pháp luật. Do đó, Lộc được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi nào sức khỏe ổn định sẽ xử lý sau.
Có thật sự bị tâm thần?
Bà Nguyễn Thị Lan đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh bị can Lộc không bị tâm thần. Cụ thể, tại biên bản lời khai (bút lục số 97), Lộc khai: “Nay tôi làm việc với cơ quan điều tra, bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo”; “Tôi thấy 2 người cầm cục đá chạy vòng quanh xe ô tô của tôi. Lúc này tôi đứng dậy và nói: mấy anh đánh nhau thì đi chỗ khác, chứ trầy xe của em”… “Tôi lùi lại và lấy từ trong túi da đeo trước ngực khẩu súng K59 mà tôi đem theo trước đó. Tôi lấy súng ra, lên đạn, tôi chĩa súng lên trời bắn 1 phát”; “Tôi nghe thấy bên tai có ai đó nói: giết nó đi, chứ không nó giết mày”…
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định, việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không khởi tố Lộc và Hoàng về hành vi “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” là bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, diễn biến trước và sau giai đoạn gây án cho thấy Nguyễn Xuân Lộc không có vẻ gì là bệnh nhân tâm thần. Chính Lộc đã điều khiển xe ô tô chở bạn đi ăn phở; tại các bản tự khai và các biên bản lấy lời khai cho thấy Lộc khai rất tỉnh táo và rõ ràng, cụ thể; Sau khi gây án Lộc đã đến cơ quan điều tra đầu thú.
“Thế nhưng, VKSND tỉnh Đắk Lắk lại ra Quyết định tạm đình chỉ đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc là chưa có căn cứ thuyết phục, giải quyết vụ án không triệt để” - trích bản kháng nghị của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Do đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra tuyên hủy bản án mà TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên trước đó.
Tại phiên xét xử vào ngày 7/9/2018, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên Trần Kiêm Hoàng 20 năm tù về tội Giết người và Sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Đối với Nguyễn Xuân Lộc có tiền sử bị tâm thần, nên áp dụng biện pháp chữa bệnh và sẽ xử lí sau.