Dụ dỗ… rồi giết
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin tóm tắt vụ thảm sát. Theo đó, hai nghi can sát hại gia đình ông Mỹ là Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước, cả hai cùng tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM).
Dương và Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ) có quan hệ tình cảm với nhau nhưng bị gia đình không đồng ý nên Linh chủ động chia tay. Ôm hận, khoảng tháng 4/2015, Dương nảy sinh ý định giết gia đình ông Mỹ, cướp tài sản để trả thù. Dương lên kế hoạch mua một súng bắn đạn bi giá 6 triệu đồng, một súng điện giá 2 triệu đồng, một con dao Thái Lan dài 30cm, một dao bấm lưỡi dài 7cm. Ngoài ra, Dương còn mua một sim rác, găng tay, khẩu trang, lấy 10 dây rút nhựa, một cuộn băng keo để bịt miệng nạn nhân rồi mượn xe của dì mình đi gây án.
Đến trưa ngày 6/7, Dương hẹn Tiến (bạn thân, từng làm việc chung với Dương) ra uống cà phê và rủ Tiến tham gia cướp tài sản, Tiến đồng ý. Biết nhà ông Mỹ có khoá trong và Dương cũng biết rõ Dư Minh Vỹ (cháu ông Mỹ) ham chơi game nên dụ dỗ sẽ cho tiền và quà để Vỹ xuống mở cửa.
Sáng ngày 11/7, tại nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương (nơi chôn cất gia đình ông Mỹ, cách nơi ở gia đình ông hơn 30 km - PV) đã có hàng ngàn người đứng đợi sẵn để tiễn đưa gia đình ông về cõi vĩnh hằng. Trên đường đi, 6 chiếc xe tang chạy đến đâu cũng gây xúc động, một số người còn nhập vào đoàn xe để đi đưa tang dù không hề quen biết từ trước đó. Xe tang tiến vào nghĩa trang, hàng ngàn người cũng tiến vào để tiễn đưa gia đình xấu số ông Lê Văn Mỹ trong nước mắt.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 7/7, Dương và Tiến đi xe máy đến và nhắn tin cho Vỹ ra mở cổng. Vừa dắt xe máy vào trong sân thì Dương liền ra tay sát hại Vỹ ngay ở sân, gần cổng ra vào. Sau đó, hai nghi can đột nhập lên lầu một của căn biệt thự, bắt trói Ánh Linh và Tố Như (cháu bà Nga- vợ ông Mỹ) vào cửa sổ. Tiếp theo, cả hai xuống tầng trệt bắt trói ông Mỹ và Quốc Anh (con ông Mỹ) rồi khống chế bà Nga yêu cầu chỉ nơi cất giấu tiền và tài sản. Bà Nga mở két sắt nhưng không có tài sản nên chúng lục soát trong phòng và lấy được số tiền hơn 4 triệu đồng, một số USD. Sau đó trói bà Nga lại rồi dẫn Quốc Anh ra để tra khảo tiền và tài sản. Khi Quốc Anh nói không biết chúng liền ra tay sát hại.
Sau đó, chúng quay lại giết bà Nga và ông Mỹ rồi lên lầu 1 tra khảo Linh và Như về tiền và tài sản nhưng không có kết quả nên xuống tay giết luôn cả hai nạn nhân. Lục lọi khắp nơi, Dương và Tiến lấy đi 5 chiếc điện thoại, một ipad, một laptop của nạn nhân. Trước khi bỏ trốn, cả hai xuống tầng trệt lấy quần của ông Mỹ mặc vào. Về đến phòng trọ của Tiến, cả hai kiểm lại số tài sản cướp được rồi giao tài sản này cùng với hung khí gây án cho Tiến quản lý.
“Năm nạn nhân bị đâm chết bằng dao nhọn, còn bà Nga bị giết bằng dao Thái Lan chứ không phải cắt. Dương là người trực tiếp đâm các nạn nhân, còn Tiến dùng dây siết cổ”, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng nói.
Sau khi gây án, Tiến đưa số tiền và hung khí về nhà trọ ở xã Bình Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM cất giấu. Còn Dương vẫn bình thản đến đám tang, hiện trường nghe ngóng thông tin điều tra. Sau hơn một ngày khẩn trương điều tra, với những chứng cứ có được, lực lượng chức năng đã làm việc với Dương rồi sau đó bắt Tiến vào 15 giờ chiều 10/7. Bước đầu, hai nghi phạm đã khai nhận hành vi của mình.
Nghi can Nguyễn Hải Dương và Nghi can Vũ Văn Tiến.
Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định không có đồng phạm thứ ba. Với những chứng cứ thu thập được tại hiện trường, thời điểm xảy ra vụ án và lời khai nghi can trùng khớp với nhau. Ông Vương cũng loại trừ đối tượng bị thần kinh hay phê ma túy.
Về chi tiết hai cuộc gọi điện thoại, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an xác nhận nạn nhân có gọi điện thoại cầu cứu nhưng do bị bịt miệng nên Tố Như chỉ nói được câu “Cậu Hùng ơi”. Còn tài xế của Công ty Quốc Anh cũng gọi điện thoại đến để chở hàng, bà Nga cảnh báo hai đối tượng rời khỏi hiện trường trước khi tài xế đến. Nghe vậy, Dương bắt bà Nga gọi lại nói tài xế không đến nữa.
Việc tại sao camera an ninh và đèn đường tại hiện trường bị ngắt trong lúc xảy ra vụ án, Thiếu tướng Tiến cũng khẳng định đó là yếu tố khách quan chứ không liên quan đến vụ án.
Tiễn đưa người quá cố đến nơi yên nghỉ.
Phút hối hận
Liên quan đến việc bé Gia Linh (18 tháng tuổi) sống sót sau vụ thảm sát, Thượng tướng Lê Quý Vương nói: “Có lẽ đó là lòng trắc ẩn còn sót lại của Dương”.
Thiếu tướng Tiến khẳng định Na là con của ông Mỹ. Ánh Linh chưa có con và có quan hệ tình cảm với nhiều người chứ không riêng gì Dương.
Trao đổi với PV về các bước tiếp theo như thế nào sau khi các đối tượng gây ra thảm án đã bị bắt, Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Sẽ làm hết sức để trong vòng 1 tháng có thể đưa vụ án ra xét xử trước pháp luật”.
“Để điều tra phá án, Công an tỉnh đã huy động hơn 100 chiến sĩ công an giỏi nhất ở nhiều lĩnh vực phối hợp hơn 30 chiến sỹ công an của Bộ Công an làm việc liên tục trong nhiều ngày không ngủ, quyết tâm bắt đối tượng trước ngày đưa tang để gia đình nạn nhân được yên lòng”, Đại tá Phúc nói.
Trong khi đó, ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước cho biết, vụ án sẽ được đưa ra xét xử lưu động để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa chung. “Ngay khi tiếp nhận thông tin, Viện đã cử những người giỏi nhất đến hiện trường, phối hợp với các cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, trong quá trình làm nhiệm vụ, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình liên tục gọi điện thúc giục, nắm tình hình khiến công việc phá án càng trở nên cấp thiết”, ông Xuân nói.
Sáng 11/7, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi thư khen các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an phá án thành công vụ giết người, cướp tài sản dã man tại trụ sở Công ty Quốc Anh. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân. Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương chiến công của cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, Công an tỉnh Bình Phước và quyết định thưởng nóng cho các đơn vị: Cục C44, C45, C53, C54, A70, A71 và Phòng PC44, PC45, PC46, PC47, PC53, PC54, Công an huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước mỗi đơn vị 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trích từ Quỹ Phòng, chống tội phạm Trung ương.
Mẹ của nghi can Dương ở An Giang ngất xỉu
Khi biết con mình là nghi can chủ mưu gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở tỉnh Bình Dương, mẹ của Nguyễn Hải Dương ở tỉnh An Giang nhiều lần ngất xỉu.
Nhà của nghi can Nguyễn Hải Dương ở An Giang.Ngày 11/7, người dân sinh sống tại ấp Long Hạ, xã Kiến An (Chợ Mới, An Giang) đều vô cùng bất ngờ khi biết tin Nguyễn Hải Dương (sinh năm 1991, ở số 509, tổ 19, ấp Long Hạ) là nghi can chủ mưu vụ thảm sát trên Bình Phước. Tiếp xúc với phóng viên, mọi người dân ở vùng quê thanh bình này bày tỏ sự bàng hoàng, sửng sốt.Ông Mai Quốc Trưởng, Phó ban nhân dân ấp Long Hạ, cho biết nhà Dương có hai anh em, em gái Dương sống với mẹ, đang đi học. Còn Dương, sau khi học xong THPT, rời quê đi làm thuê xa, ít khi về nhà. Cha của Dương là ông Nguyễn Phú Hải (SN 1968) trước đây sống bằng nghề đưa đò nhưng gần đây cũng rời địa phương đi làm công nhân. Gia đình có cuộc sống khó khăn.
Về người mẹ, bà Trần Thị Kim Thu (SN 1970) khi biết tin con trai lớn là nghi can chính gây án, đã nhiều lần ngã quỵ. Suốt ngày 11/7, rất đông bà con láng giềng đến an ủi, động viên bà vượt qua cú sốc khủng khiếp.
Trung Tính