Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp

TPO - Phần ta luy bê tông cao hàng chục mét tiếp giáp với đoạn bị sạt vào 2 ngày trước vừa bị lực lượng chức năng chủ động làm sập để tránh ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp ảnh 1

Bụi đá bắn tung tóe khi đoạn ta luy bị đánh sập

Theo ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, chiều nay 1/7, lực lượng chức năng đã chủ động làm sập đoạn ta luy bằng bê tông (tại hẻm 15/2 Yên Thế, phường 10, TP Đà Lạt), tiếp giáp với đoạn ta luy đã bị sập vào ngày 29/6.

Đoạn ta luy bê tông này có độ dốc lớn, gần như thẳng đứng, cách mặt đường phía dưới (đường Hoàng Hoa Thám) khoảng 30m.

Khi đổ sập, đoạn bê tông kéo theo lượng đất đá nặng hàng chục tấn đổ xuống khu vực dưới chân ta luy với lực rất mạnh, bụi đá bắn lên tung tóe, trượt xa nhiều mét.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp ảnh 2

Hiện trường vụ đánh sập đoạn ta luy nằm cheo leo

Trước khi chủ động làm sập đoạn ta luy nói trên, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ người dân và tài sản của họ đi nơi khác.

Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã giăng dây cảnh báo, nghiêm cấm những người không có phận sự vào khu vực này.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp ảnh 3

Cảnh báo người dân không được vào khu vực sạt lở - Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cũng theo lời ông Đặng Quang Tú, các sở ngành của tỉnh Lâm Đồng đã bàn rất nhiều phương án và nhận thấy đây là phương án tốt nhất.

“Đoạn ta luy này đã nứt, hỏng, không thể sử dụng được; nếu để nằm cheo leo như thế sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Những căn nhà phía dưới ta luy cũng hư hỏng gần hết rồi”, ông Tú nói.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp ảnh 4

Những đoạn ta luy nằm cheo leo nguy hiểm sẽ bị đánh sập

Được biết, ngày mai (2/7), lực lượng chức năng sẽ tiếp tục cho làm sập đoạn ta luy dài 15m còn lại (tiếp nối với đoạn ta luy vừa đổ) để đảm bảo an toàn cho khu vực phía dưới.

Trước đó, Sở Xây dựng đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh. Theo đó, ngoài đoạn ta luy đã sụp đổ vào ngày 29/6, ở phần ta luy còn lại xuất hiện một số vết nứt trên bề mặt đất đắp tại đỉnh ta luy, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt, gây mất an toàn xung quanh khu vực.

Sở Xây dựng cho rằng, để ngăn ngừa sự cố tiếp tục xảy ra, đảm bảo an toàn tại khu vực, trước mắt, phải thực hiện đồng thời một số biện pháp sau: Giảm áp lực lên ta luy bằng biện pháp lấy đất sau lưng tường; tạo dòng thoát nước tại khu vực, tiến hành phủ bạt phần đất trên đỉnh taluy để hạn chế nước mặt ngấm vào đất làm tăng áp lực lên thân tường.

Như báo Tiền Phong đã thông tin, vụ sạt lở ngày 29/6 đã khiến đôi vợ chồng bị đất vùi lấp, tử vong. Một số người khác bị mắc kẹt trong ngôi nhà phía dưới ta luy, được lực lượng chức năng giải cứu, đưa vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng điều trị.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Chủ động đánh sập đoạn ta luy tiếp giáp ảnh 5

Hiện trường vụ sạt lở đất ngày 29-6

Vụ sập ta luy còn làm 1 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 3 căn nhà khác và một số công trình điện, nước, đường giao thông… bị hư hỏng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.