Vụ rừng cấm bỗng dưng bị phá: Những câu hỏi cần làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan tới việc rừng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) bị chặt để làm đường khi chưa được phép, còn những câu hỏi cần được làm rõ... 

Gỗ khai thác trái phép đang ở đâu?

Trao đổi với Tiền Phong, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng cho biết, đến nay, đơn vị chưa xác định được trữ lượng gỗ bị khai thác trái phép trên diện tích hơn 15ha rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (huyện Lắk) để làm dự án đường Trường Sơn Đông.

Theo ông Dũng, khi nào làm việc được với chủ đầu tư, nắm bắt qua hồ sơ thiết kế đường mới có thể xác định được trữ lượng gỗ. “Cơ quan công an cũng đang vào cuộc để điều tra, xác minh rõ vụ việc. Khi nào có kết luận chúng tôi sẽ thông tin”, ông Dũng nói.

Vụ rừng cấm bỗng dưng bị phá: Những câu hỏi cần làm rõ ảnh 1
Đến nay, chưa xác định được trữ lượng gỗ bị khai thác trái phép

Tương tự, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng chưa xác định được trữ lượng gỗ bị khai thác trái phép xảy ra tại lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương.

Việc hủy hoại rừng tại lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, UBND tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk đã yêu cầu Ban quản lý dự án 46 dừng thi công dự án đường Trường Sơn Đông qua địa bàn để kiểm tra, xử lý.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá cao nỗ lực của vườn quốc gia

Ngày 17/2, trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh cùng các đơn vị chức năng kiểm tra để có hướng xử lý.

Vụ rừng cấm bỗng dưng bị phá: Những câu hỏi cần làm rõ ảnh 2

Ảnh Báo Lâm Đồng

Trước đó, ngày 10 và 11/2, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng do ông Trần Đức Quận và ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV dẫn đầu đi kiểm tra tuyến du lịch sinh thái lên đỉnh Bidoup thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà ngày đầu năm mới.

Báo Lâm Đồng đưa thông tin, quá trình đi thực tế hiện trường trên tuyến Bidoup, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà trong công tác giữ rừng, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá của rừng. Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng nhấn mạnh điểm nhấn của Vườn Quốc gia là đỉnh Bidoup cao 2.287m, “nóc nhà” của Nam Tây Nguyên với thảm thực vật, động vật phong phú, có nội lực phát triển du lịch sinh thái to lớn, không thua kém các vườn quốc gia hàng đầu của cả nước.

Do đang trong mùa khô, một số đồi thông còn nhiều cỏ tranh dễ cháy nên lãnh đạo Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu lực lượng kiểm lâm, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như tăng cường tuần tra để phát hiện sớm, kịp thời các vụ vi phạm lấn chiếm, phá rừng.

Vụ rừng cấm bỗng dưng bị phá: Những câu hỏi cần làm rõ ảnh 3

Máy múc tại lâm phần của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Đáng nói là, thời điểm này, các đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông đã huy động nhiều phương tiện máy móc để san gạt, bạt đồi trái phép tại lâm phần thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Theo con số thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, tại báo cáo số 33 (ngày 14/2), đơn vị thi công đã san ủi tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,3km, bề rộng trung bình đường khoảng 4m...

Như Tiền Phong đã đưa tin, chủ đầu tư dự án đường Trường Sơn Đông đã phá hơn 15ha rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và 2.000m2 đất rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, tổng chiều dài đã mở hơn 3km. Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 10.000 tỷ đồng (nguồn trái phiếu), chiều dài toàn tuyến 671km, quy mô chủ yếu đường cấp IV miền núi; bắt đầu từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng. Cho đến nay, chủ đầu tư dự án chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng để làm dự án.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.