> Cá tầm nhập lậu được 'rửa' như thế nào?
> Rắc rối vụ bắt 4 tấn cá tầm ở Lạng Sơn
Metro nói gì ?
Ngày 8/7, phóng viên Tiền Phong đã khảo sát tại siêu thị Metro Hoàng Mai, Metro Thăng Long đều đang bán cá tầm.
“Việc cá tầm Trung Quốc trà trộn vào cá tầm Việt Nam, nếu không có giấy của Cites thì hoàn toàn có thể xử lý. Chúng tôi sẽ phối hợp với phía hàng không, để ngăn chặn việc chuyển cá tầm lậu vào Nam ở sân bay”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Tại Metro Thăng Long, cá tầm sống niêm yết giá bán 197.000 đồng/kg, có nguồn gốc Việt Nam. Theo tìm hiểu, nguồn cá trên do Cty CP Cá tầm Phương Bắc (huyện Yên Bình, Yên Bái), có văn phòng tại Hà Nội (Đại Mỗ, Từ Liêm) nuôi, được Chi cục Thú y Yên Bái đóng dấu kiểm dịch trong giấy vận chuyển. Cá tầm được Metro Thăng Long trưng bày trong tủ kính 3-4 con, khách mua nhiều, sẽ lấy trong kho.
Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng phòng Ngoại vụ và Truyền thông của Metro cho biết, loại cá tầm bán ở Metro có nguồn gốc rõ ràng. Tất cả cá tầm phân phối tại các Trung tâm Metro Cash&Carry phía Bắc và trên toàn hệ thống Metro toàn quốc đều có đầy đủ hồ sơ chứng từ, như cam kết nguồn gốc, hợp đồng mua bán với nguồn nuôi, hóa đơn chứng từ mua hàng.
Theo ông Hưng, tại khu vực phía Bắc, Metro mua qua 2 nhà cung cấp là Cty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hà Nội (Hasimex) và Cty TNHH Thực phẩm Hiếu Ngân. Cá tầm có xuất xứ từ Lào Cai, Sơn La và Yên Bái. Còn tại phía Nam, Metro mua qua 2 nhà cung cấp có cá xuất xứ từ huyện Di Linh (Lâm Đồng).
Đại diện Metro cho biết, hiện trung bình Metro phân phối ra thị trường khoảng 3-4 tấn cá tầm/tháng. Metro cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng, cũng như Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam để xác minh những thông tin trên.
Cá tầm vãng lai ở chợ nhiễm kháng sinh
Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát thú y ở Nội Bài, nhằm hạn chế cá tầm “bay” lậu vào TPHCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, thông thường, việc kiểm soát thú y nội địa ở sân bay diễn ra khi có nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc cá tầm lậu đang diễn biến phức tạp, sắp tới, Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với Cites Việt Nam (Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) cho xem lại các quy định, để làm việc với Tổng cục Hải quan.
Theo bà Thu, với mặt hàng cá tầm, việc kiểm tra nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm nuôi được Cites kiểm soát. Và tới đây, sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các trại, kể cả trại nuôi giống cũng phải có giấy nhập khẩu giống, hoặc có chứng nhận của Cites. Bà Thu cho biết, sẽ kiểm tra việc nhập khẩu giống của những đơn vị sản xuất trong nước, xem họ nhập qua đường biên giới, hay xách tay về.
Liên quan đến chất lượng cá tầm không rõ nguồn gốc bày bán ở chợ, chiều ngày 8/7, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy 30 mẫu (10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá trê, 10 mẫu cá quả) bán không rõ nguồn gốc tại các chợ ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất kháng sinh Leuco Malachite Gree; 2 mẫu cá quả nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm AOZ.
Theo ông Tiệp, 2 hóa chất, kháng sinh trên dùng trong việc trị bệnh cho cá. Ở Việt Nam, trước đây có cho sử dụng, nhưng từ năm 2007 trở lại đây bị cấm, do những tác động xấu đến sức khỏe con người.