> Con rể Chủ tịch Vĩnh Phúc không liên quan án giết người
> Công an Vĩnh Phúc lên tiếng vụ xác chết dưới mương
Nơi phát hiện thi thể nạn nhân Tuấn Anh. |
Liên quan đến vụ án giết người xảy ra tại Quán Tiên, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (xảy ra vào đêm 14, rạng sáng ngày 15-3-2013) gây chấn động dư luận thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra cáo trạng số 39/KSĐT-P1A truy tố các bị can ra trước pháp luật.
Nạn nhân là Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, trú tại Phố Cả, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc), bị chết sau khi uống rượu và xô xát với nhóm người ăn đêm tại Quán Tiên thuộc địa bàn phường Hội Hợp.
Trước đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 người về hành vi “Giết người”, gồm: Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983) cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992) cùng ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc và Đặng Quốc Tú (đăng ký thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Bình (tức Bính "cong", SN 1997, cùng ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt thêm Nguyễn Văn Hiệp (SN 1986, ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên) về hành vi Không tố giác tội phạm và Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992, trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về hành vi Che giấu tội phạm.
Vì một câu nói, truy sát tới cùng
Theo cáo trạng, sau khi đi liên hoan cùng công ty vào tối 14-3, Tuấn Anh đã cùng với em họ là Nguyễn Văn Hiệp đi hát karaoke cùng bạn bè và uống rất nhiều rượu, bia. Hiệp phải chở Tuấn Anh về. Đến quán ăn đêm ở ngã tư Quán Tiên, Tuấn Anh rủ Hiệp vào ăn đêm.
Khi vào đến khu vực kê bàn ăn thì Hiệp và Tuấn Anh gặp nhóm người gây án. Do Hiệp biết Đặng Quốc Tú từ trước nên Hiệp đến chào và mời Tú rượu song Tú từ chối. Thấy vậy, Hiệp hỏi Đặng Quốc Tú: “Mày là thằng nào, sinh năm bao nhiêu, ở đâu?”. Tú trả lời: “Em tên là Tú, sinh năm 1980, quê Phú Thọ, ở cách đây 2-3 nhà”. Nguyễn Tuấn Anh đi đến đầu bàn chỗ Phùng Mạnh Tuấn (Tuấn “trọc”) ngồi và tỳ tay phải lên vai trái Tuấn Trọc nói: “Đ.M, mày sinh năm 80 mà già thế!”. Thấy vậy, Phùng Đắc Tú và Tuấn “trọc” đứng dậy, Tú nói: “80, già, già cái đ. gì mà già, mày thích đánh nhau à?” đồng thời cả hai vung tay đấm Tuấn Anh.
Bị đánh, Tuấn Anh vùng chạy thì Phùng Đắc Tú hô: “Đuổi chém chết mẹ nó đi”, Tuấn “trọc” hô: “Chém chết mẹ nó đi!”. Tuấn Anh chạy ra khỏi quán và chạy dọc quốc lộ 2A theo hướng từ TP Việt Trì về phía ngã tư Quán Tiên thì Tuấn “trọc”, Phùng Đắc Tú, mỗi người cầm 1 con dao lấy ở trong quán cùng Đặng Quốc Tú, Tình, Định và Bính lần lượt đuổi theo.
Tuấn Anh chạy ra đến ngã tư Quán Tiên, chạy dọc bờ bên phải của kênh. Được khoảng 10 mét thì bị ngã nên Tuấn “trọc”, Định, Tình đuổi kịp dùng chân, tay đấm đá vào vai, ngực Tuấn Anh. Tuấn Anh tiếp tục vùng dậy được, nhảy xuống kênh, lội sang phía bờ kênh bên trái. Thấy vậy, Tuấn “trọc” bảo với Định, Tình: “Chạy chặn bên phải”. Định và Tình đã chạy dọc kênh bên phải để dồn đuổi Tuấn Anh còn Tuấn “trọc” chạy quay lại để sang bờ bên trái “khóa” đường. Chạy được một đoạn thì Tuấn Anh đã bị Đặng Quốc Tú giữ được ở bờ kênh bên trái gần bụi chuối. Tuấn “trọc” chạy sang giữ Tuấn Anh cùng Đặng Quốc Tú.
Mương nước nơi Tuấn Anh bị truy sát. |
Lúc này anh Nguyễn Tuấn Anh quỳ hai gối xuống bờ kênh, hai tay bo ôm gáy phòng thủ. Lúc này Phùng Đắc Tú, Bính chạy đến rồi cả nhóm đều dùng tay, chân đấm, đá vào người Tuấn Anh.
Nguyễn Duy Hiệp đã chứng kiến toàn bộ sự việc
Điều đáng chú ý, trong lúc Tuấn Anh bị đánh thì Nguyễn Duy Hiệp cũng chạy theo và có mặt trên đường tỉnh lộ 305, bên bờ kênh, đứng cách nơi Tuấn Anh bị 4 đối tượng trên đánh khoảng 4 mét. Hiệp đã chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra.
Trong lúc Tuấn Anh đang ở tư thế quỳ chịu trận, Phùng Đắc Tú giơ dao lên hô: “Chém chết nó đi!”. Thấy quá nguy hiểm, Tuấn Anh liền vùng dậy để chạy thì bị Tuấn “trọc” dùng chân đạp vào mông, làm Tuấn Anh bị ngã sấp xuống dòng kênh nước chảy xiết.
Tuấn “trọc” cầm dao cúi xuống chém với theo Tuấn Anh nhiều nhát nhưng không trúng. Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Văn Định ở phía bờ kênh phải nhìn thấy Tuấn Anh bị Tuấn “trọc” đạp ngã xuống kênh thì Định cầm gạch ném 2 phát xuống lòng kênh nơi Tuấn Anh ngã. Ném gạch không thấy Tuấn Anh ngoi lên, Định cầm điện thoại bật đèn, đứng trên bờ soi xuống dòng kênh và hai bên bờ kênh tìm nhưng không thấy nên hô to: “Tao ném hai viên gạch vào chỗ nó ngã, không thấy nó ngoi lên, chắc chết rồi!”. Tuấn “trọc” nói thêm: “Không thấy nó đâu, nó chết kệ mẹ nó” rồi cả nhóm quay về.
Sau đó, Đặng Quốc Tú và Tuấn “trọc” quay lại quán ăn đêm lấy 2 chén rượu uống với Hiệp để xin lỗi và Tú xin số điện thoại của Hiệp. Hai người này đi khỏi, Hiệp lấy xe máy của Tuấn Anh đi dọc bờ kênh để tìm Tuấn Anh song không thấy; Hiệp cũng mượn điện thoại gọi vào số Tuấn Anh song không liên lạc được nên đi về nhà ngủ.
Mới bồi thường 10 triệu đồng
Thi thể Tuấn Anh được tìm thấy vào 8 giờ 30 sáng ngày 17-3 tại cống kênh 2B phường Hội Hợp. Sau đó, kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận nguyên nhân cái chết: “Ngạt nước, trên nạn nhân có chấn thương do vật tày gây nên”. Bản giám định pháp y của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cũng kết luận: “Nguyên nhân do ngạt nước, trên người có chấn thương vùng lưng và gối trái. Tổn thương ở vùng lưng và gối trái do vật tày gây nên”.
Lực lượng chức năng khám nghiệm lại tử thi nạn nhân ngày 18-3. |
Cũng chính vì từ “ngạt nước” mà người dân cùng người nhà nạn nhân đã mang quan tài nạn nhân “diễu phố”, gây sức ép với chính quyền. Ngay cả khi đã ra cáo trạng, người nhà nạn nhân vẫn tiếp tục có đơn gửi tới Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Công an yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Về trách nhiệm dân sự, cáo trạng nêu, gia đình Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu các bị can phải bồi thường khoản tiền là 221.825.000 đồng về chi phí tìm kiếm, chi phí mai táng, đồng thời yêu cầu các bị can có trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật đối với các tổn thất tinh thần, tổn thất về con người, tiền phụng dưỡng mẹ già, tiền nuôi 2 con nhỏ của Tuấn Anh đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, ngoài việc ông Phùng Đắc Hùng, bố đẻ bị can Phùng Đắc Tú, đã tự nguyện đến cơ quan điều tra nộp 10 triệu đồng, đến nay chưa có bị can và gia đình bị can nào bồi thường cho gia đình bị hại.
Dự kiến Luật sư Lê Thị Oanh (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, TP Hà Nội) là luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại. Về lịch xử của vụ án, hiện nay TAND tỉnh Vĩnh Phúc chưa có lịch xử. Theo vị luật sư này, đây là vụ án nghiêm trọng nên tòa án được dành thời gian 3 tháng để nghiên cứu và sắp xếp.
Liên quan đến vụ việc, ngày 4-7, khoảng 30 người nhà nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh đã đến trước cổng trụ sở Bộ Công an (ở Hà Nội) để đưa đơn kêu cứu. Theo người nhà Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức với gia đình.
Theo Nguyễn Quyết
Người Lao Động