Vụ phóng viên cầm tiền chạy việc: Viện kiểm sát nói gì?

Trong ngôi nhà rách nát không có tiền sửa chữa, chị Đào nói, sẽ đi đến cùng để tìm công lí
Trong ngôi nhà rách nát không có tiền sửa chữa, chị Đào nói, sẽ đi đến cùng để tìm công lí
TP - Liên quan đến vụ ông Lê Cảnh Hoa, báo Pháp luật và Xã hội cầm 1,4 tỷ đồng của nhiều người được cho là chạy xin việc, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Bình, một mặt khẳng định, nhờ báo Tiền Phong mà các nạn nhân đã lấy lại được tiền từ ông Hoa; mặt khác ông Hùng lại cho rằng, không đủ yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ trên hồ sơ

Theo ông Hùng, sau một thời gian điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Bình gửi hồ sơ vụ ông Lê Cảnh Hoa sang Viện KSND Quảng Bình, nhằm thống nhất kết quả điều tra. Tuy nhiên, Viện KSND Quảng Bình đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung vì thấy “còn chung chung”. Lần thứ hai gửi hồ sơ sang, Viện KSND Quảng Bình mới thống nhất với kết luận của Cơ quan CSĐT Công an Quảng Bình là không khởi tố vụ án.

Ông Hùng cho rằng, việc trả lại tiền của ông Hoa sau khi các nạn nhân viết đơn tố cáo và báo chí phản ánh là đúng sự thật. Tuy nhiên, căn cứ trên hồ sơ thì ông Lê Cảnh Hoa không có hành vi gian dối nên không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hùng nói, hầu hết biên bản lấy lời khai, các nguyên đơn đều nói họ chủ động nhờ ông Hoa tìm việc và chủ động đưa tiền bồi dưỡng cho ông Hoa, chứ ông Hoa không có lời nói nào đòi tiền, hứa hẹn hay cam kết về việc làm đối với họ. Đồng thời, ông Hoa không nhận bất cứ một bộ hồ sơ nào từ các nguyên đơn để đi xin việc nên không thể chứng minh ông Hoa lừa đảo.

Trong lúc đó, các nạn nhân của ông Lê Cảnh Hoa khẳng định là họ khai đúng bản chất sự việc như: Ông Hoa tự giới thiệu mình quen biết chỗ này, chỗ khác, và tự ra giá cho mỗi vị trí việc làm, đồng thời yêu cầu các nạn nhân đưa trước ít nhất là 1/3 số tiền mà ông Hoa ra giá.

Bà Đinh Thị Bùi Chung, nạn nhân bị ông Hoa lấy 60 triệu để xin cho con vào Nhà máy xi măng Sông Gianh khẳng định: Nếu Viện KSND tỉnh Quảng Bình nói căn cứ trên hồ sơ để kết luận, thì cá nhân bà có đến 2 bản tường trình do điều tra viên yêu cầu viết và 3 biên bản ghi lời khai. Tất cả đều đúng bản chất vụ việc. Chỉ duy nhất bản khai thứ ba, các điều tra viên đã không gạch chéo phần giấy còn trống, nên bà Chung nghi ngờ có thể đã bị đã ghi thêm thông tin nhằm có lợi cho ông Lê Cảnh Hoa?

Cũng như bà Chung, chị Đinh Thị Thanh Đào, nạn nhân bị Lê Cảnh Hoa lấy 200 triệu để xin đi dạy ở trường huyện Minh Hóa khẳng định mình khai rất rõ ràng. Rằng ông Hoa hứa xin vào dạy ở Triểu học Hóa Hợp với giá 200 triệu. Ông Hoa yêu cầu đưa trước 50 triệu, khi nào đi dạy sẽ đưa đủ. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau ông Hoa gọi điện yêu cầu đưa đủ số tiền, sau hai ngày là nhận quyết định, nếu không sẽ không có việc làm và mất luôn tiền cọc 50 triệu.

Chị Đào cho biết thêm, ông Hoa có nhận của chị hai bộ hồ sơ, một lần ở huyện Minh Hóa và một lần ở thành phố Đồng Hới khi chị đưa cho ông Hoa 150 triệu đồng.

Bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng

Theo các nạn nhân của ông Lê Cảnh Hoa cho biết, trong quá trình điều tra các điều tra viên chỉ lấy lời khai mà không hề có ý định thu thập chứng cứ như các cuộc ghi âm, tin nhắn qua lại giữa các nạn nhân và ông Hoa. Đặc biệt, các điều tra viên còn từ chối tiếp xúc với nhân chứng.

Chị Đào kể: “Khi điều tra viên đến gặp để hỏi tôi về vụ việc của ông Lê Cảnh Hoa, tôi nói “ngoài tôi ra, thì mẹ tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối và cũng là người đã tiếp xúc với ông Hoa, đồng thời là người đứng ra vay nóng để đủ số tiền đưa cho ông Hoa… nên đề nghị các anh gặp thêm mẹ tôi để rõ thêm câu chuyện”. Nhưng các điều tra viên nói rằng, bà lớn tuổi rồi, đừng lôi bà vô mà làm gì, thêm khổ thân bà, một mình chị là đủ rồi”.

Trước việc điều tra viên đã bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình cho rằng, đây chỉ là tin báo tố giác tội phạm nên chưa cần thu thập chứng cứ. “Kết quả kiểm tra xác minh tin báo là để chứng minh có dấu hiệu phạm tội hay không. Còn lại nếu có dấu hiệu phạm tội mà rõ về lừa đảo, thì phải khởi tố, rồi còn thời gian điều tra để thu thập tất cả các chứng cứ khác nữa, để chứng minh hành vi phạm tội nữa. Chứ còn đây là mình chỉ xác định là nó có đầy đủ dấu hiệu của hành vi đó là hành vi phạm tội hay không thôi. Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh thì thấy đủ có sở không có dấu hiệu phạm tội” - ông Hùng nói.

Trả lời chất vấn của PV Tiền Phong về việc lấy tiền của các nạn nhân để chạy việc, nếu ông Hoa chạy việc thật thì có phạm tội đưa hối lộ hay môi giới hối lộ không; hoặc ông Hoa chỉ lấy tiền mà không chạy việc thì ông Hoa có phạm tội lừa đảo người khác? Một lần nữa, ông Hùng khẳng định là ông Hoa không nhận bất cứ một hồ sơ nào của các nạn nhân nên không thể nói ông Hoa đã cầm tiền đó chạy việc. Còn việc các nạn nhân đưa tiền cho ông Hoa chỉ là tiền bồi dưỡng, thuốc nước.

Khi PV Tiền Phong chất vấn vì sao nói là tiền bồi dưỡng thuốc nước mà ông Hoa phải trả lại sau khi họ viết đơn tố cáo? Rồi tiền thuốc nước mà lên đến 1,4 tỷ đồng, trong đó có những nạn nhân nộp tiền cho ông Hoa lên đến 350 triệu đồng? Trước hai câu hỏi này của PV, ông Hùng không trả lời mà nói rằng, “Do các nạn nhân chủ động nhờ ông Hoa xin việc nên khó để buộc tội ông Hoa!”.     

Trước việc điều tra viên đã bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình cho rằng, đây chỉ là tin báo tố giác tội phạm nên chưa cần thu thập chứng cứ.

MỚI - NÓNG