Nhận tiền cả trăm triệu
Thời gian đó, anh Tú có quen ông Phan Cao Thắng, đang là giáo viên bộ môn thể dục trường THPT Lê Hồng Phong. Ông Thắng khoe có quan hệ rộng với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An nên có thể xin được một suất cho chị H về trường THPT Lê Hồng Phong giảng dạy. Đổi lại, anh Tú phải đưa 160 triệu đồng để làm phí chạy việc.
Vì tin lời ông Thắng, anh Tú về nhà chạy vạy khắp nơi, cắm bìa đỏ để mượn đủ số tiền trên. Vào ngày 11/11/2016, anh Tú gặp ông Thắng để chuyển số tiền 160 triệu đồng và được hẹn trong vòng 1 tháng, vợ anh sẽ được chuyển về trường THPT Lê Hồng Phong làm việc, có giấy ghi đầy đủ.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, qua bao nhiêu lần hứa hẹn, ông Thắng vẫn không xin được việc cho chị H. Đến tháng 12/2017, vợ chồng anh Tú quyết định xin rút số tiền trên nhưng ông Thắng cho biết, tiền dùng hết vào quan hệ và chi tiêu nên không thể trả lại được.
“Từ tháng 12/2017 đến nay, ông Thắng liên tục hứa trả tiền nhưng đã gần 1 năm vẫn chưa trả đồng nào. Vợ tôi vì chuyện này mà bất an, đau ốm suốt. Số tiền này đối với gia đình tôi là cả gia tài.
Gia đình ông Thắng là công chức. Bố là cán bộ về hưu. Vợ đang công tác tại Cục hậu cần Quân khu 4 nhưng không ngờ ông ấy lại có thể đi lừa đảo dân nghèo như vậy”, anh Tú bức xúc chia sẻ.
Không chỉ trường hợp của anh Tú, báo Tiền Phong còn nhận được đồng loạt các đơn thư tố ông Thắng lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng để chạy việc. Như trường hợp của anh L.S.Q (Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Anh Q. cho biết, anh có con gái muốn xin về dạy tại TP Vinh để thuận tiện đi lại. Sau đó, anh được ông Thắng hứa sẽ lo được việc khi chuyển xong số tiền 140 triệu đồng. Tuy nhiên, qua thời gian dài, ông Thắng vẫn không xin được việc, gia đình anh có đòi lại tiền thì còn bị ông Thắng quát tháo.
“Chúng tôi gọi hỏi, nhưng ông Thắng không những hẹn nhiều lần không trả mà còn nói với giọng thách thức. Một thầy giáo, một Đảng viên mà cư xử như vậy thì không thể chấp nhận được”, anh Q bức xúc cho biết.
Anh N.V.B, một cựu học sinh của ông Thắng cũng có đơn tố cáo khi bị lừa với số tiền 50 triệu đồng. Anh B cho biết, vì tin tưởng ông Thắng nên khi người này hỏi mượn tiền, anh rất sẵn sàng. “Ông Thắng hẹn trong 10 ngày sẽ trả. Không ngờ đã gần 2 năm, thầy không trả mà còn nói giọng đe dọa, khiến tôi mất hết niềm tin”.
Trước đó, bà L.T.L ( trú thôn 3, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng có đơn tố cáo ông Phan Cao Thắng lừa hơn 100 triệu đồng chạy việc cho con gái. Sau hơn 4 năm chật vật đi đòi nợ, đến nay ông Thắng mới chỉ trả khoảng 60 triệu đồng.
Theo phản ánh của người dân, ở Nghệ An, không chỉ có họ bị lừa, nhiều trường hợp khác cũng bị ông Thắng lừa hàng trăm triệu đồng. Nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc nên chưa dám đứng ra viết đơn tố cáo.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã nắm bắt được vụ việc
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong cho biết, trường đã nhận được một số đơn tố cáo của người dân liên quan đến việc thầy Phan Cao Thắng nhận tiền để chạy việc.
“Việc này, nhà trường sẽ trực tiếp làm việc với thầy Thắng để nắm rõ sự việc. Thẩm quyền của trường chỉ giải quyết các vấn đề của cán bộ, giảng viên trong trường. Nên chờ khi có kết quả của cơ quan chức năng, nhà trường sẽ đề xuất hình thức xử lý đối với thầy Thắng”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Sở đã nắm được thông tin thầy Phan Cao Thắng, giáo viên trường THPT Lê Hồng Phong bị tố lừa hàng trăm triệu đồng của người dân. Bà Chi khẳng định, không có chuyện lãnh đạo Sở quan hệ với giáo viên các trường để chạy việc. Từ trước tới nay, vấn đề bổ nhiệm công chức, viên chức đều thực hiện theo quy trình công khai, minh bạch. Còn trường hợp của thầy Phan Cao Thắng, Sở GDĐT đang giao cho Thanh tra sở kiểm tra, làm rõ. “Trường hợp vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Không để trường hợp như thế này xảy ra trong ngành giáo dục. Một thầy giáo lừa bạn, dối trò như vậy là không thể chấp nhận được”, vị này cho hay.
Một cán bộ điều tra Công an tỉnh Nghệ An xác nhận, hiện cơ quan công an đã nắm được thông tin phản ánh của một số người liên quan đến việc tố cáo hành vi lừa chạy việc và chiếm đoạt tiền của ông Phan Cao Thắng. (Vì trước đó, trường hợp của bà L.T.L (SN 1960, trú thôn 3, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị ông Thắng lừa 100 triệu đồng để chạy việc cho con gái cũng được báo chí phản ánh)
Tuy nhiên, vị này cho biết, khi có đơn của người dân gửi đến, cơ quan công an mới tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. “Nếu xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố hình sự vụ án”, ông cho hay.
Cũng trong lúc này trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Cao Thắng thừa nhận có việc ông đã nhận hàng trăm triệu đồng tiền chạy việc của vợ chồng anh Nguyễn Quang Tú và các trường hợp khác. Ông Thắng cũng cho biết đã chi tiêu cá nhân hết những khoản tiền này. Tuy hứa hẹn nhiều lần, nhưng đến nay ông Thắng vẫn chưa trả lại số tiền trên cho gia đình nạn nhân như cam kết ban đầu. Hiện, các gia đình vẫn đang rất bức xúc.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, đối với trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, sẽ căn cứ vào số tiền và mức độ nghiêm trọng để áp dụng khung hình phạt.
Đối với trường hợp ông Phan Cao Thắng, số tiền lừa đảo lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong hợp này có thể áp dụng Khoản 3, Điều 139, Bộ luật Hình sự, người nào chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng sẽ chịu mức phạt từ 7 đến 15 năm tù, Luật sư Tú cho hay.