Câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội suốt 42 năm nuôi con người khác nhưng vẫn hết mực yêu thương, chăm sóc đã khiến không ít người cảm động. Tất cả đều cầu mong một phép màu xảy ra để giấc mơ tìm lại gia đình cho người con gái thất lạc sẽ thành hiện thực.
Trao đổi với PV vào sáng ngày 11/3, ông Phạm Hữu Tiệp (GĐ Trung tâm Y Tế Quận Ba Đình) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua báo chí, trong chiều ngày 10/3, trung tâm Y tế quận Ba Đình đã cử đoàn xuống thăm hỏi và hỗ trợ thông tin trong việc tìm kiếm người con thất lạc của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (Quán Thánh, Hà Nội).
Ông Tiệp cho hay, do thời gian quá lâu, trung tâm lại chuyển địa điểm nên việc lưu trữ hồ sơ gần như không còn: “Rà soát danh sách những cán bộ công tác tại Trung tâm vào giai đoạn năm 1970 thì một số người đã chuyển đi nơi khác, một số người đã mất, hiện chúng tôi chỉ khoanh vùng được khoảng 3 nữ hộ sinh làm việc vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, có người đã 70 tuổi, có người ngoài 80 tuổi nên không thể nhớ lại được câu chuyện xảy ra vào thời điểm cách đây hơn 40 năm…”.
Hiện tại, theo ông Tiệp, Trung tâm cũng đang cố gắng, nỗ lực tìm kiếm thông tin bằng nhiều kênh khác nhau với hi vọng có thể tìm ra manh mối về trường hợp của bà Hạnh: “Đây là một câu chuyện không ai mong muốn. Ở những năm 1970, đất nước vô cùng khó khăn, nghành y tế thời điểm đó cũng còn thô sơ, nghèo nàn, chính vì thế việc xảy ra những sai sót, nhẫm lẫn rất khó tránh khỏi. Chúng tôi rất chia sẻ với câu chuyện của gia đình bà Hạnh. Trung tâm vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhờ những người đã và đang làm trong nghành Y cùng giúp đỡ. Nếu có bất cứ thông tin gì liên quan đến trường hợp này sẽ ngay lập tức thông báo cho gia đình”, ông Tiệp thông tin thêm.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, chị Tạ Thị Thu Trang (Sn 1974) xúc động cho biết, ngay sau khi câu chuyện về cuộc đời mình được đăng tải, gia đình đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khắp mọi nơi chia sẻ và cung cấp thông tin. Gia đình cũng đã tìm đến địa chỉ của 3 nữ hộ sinh làm việc tại Trung tâm y tế Ba Đình vào năm 1970 nhưng rất tiếc họ không thể nhớ được gì: “Các bác đã già, dù rất muốn giúp gia đình nhưng không có chút thông tin gì. Bản danh sách về những gia đình sinh vào khoảng thời gian đó cũng không thể tìm lại”, chị Trang nói.
Ngay trong chiều ngày 10/3, chị Trang cùng chồng là anh Nguyễn Trung Thành cũng đã liên hệ với UBND Quận Ba Đình để xin được hỗ trợ, trích xuất thông tin về những trường hợp cùng sinh vào ngày 10/10/1974, với hi vọng có thể tìm ra được chút manh mối, tuy nhiên hiện tại vẫn đang chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên: “Sau khi có thông tin, một người trong nghành công an đã tra giúp gia đình tôi và xác định, trong ngày 10/10/1974 tại Hà Nội có 400 trường hợp sinh bé gái, tại quận Ba Đình ngoài tôi chỉ còn duy nhất 3 trường hợp nữa. Tôi cũng đã đến các địa chỉ này để tìm kiếm nhưng rất tiếc tất cả đều không phải. Hai trường hợp là nơi khác chuyển đến, còn một người thì lại sinh ra ở khu vực đường Bưởi”, chị Trang buồn bã nói.
Thông tin thêm với chúng tôi, chị Tạ Thị Thanh Vân (chị gái chị Trang) cho biết, hiện tại dù cuộc tìm kiếm còn nhiều khó khăn, đôi khi rơi vào bế tắc song gia đình sẽ không bỏ cuộc và cố gắng đến cùng: “Chúng tôi đang tìm đến cả những người sinh vào ngày 9 và 11 tháng 10/1974 ở nhà hộ sinh Ba Đình. Bởi theo thông tin mà mẹ tôi cung cấp thì bà phải nằm lại bệnh viện khoảng 2 ngày nên có thể thời gian này mới xảy ra nhầm lẫn…
Từ bên nước Anh, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh gọi điện cho chúng tôi xúc động cho biết, suốt những ngày qua bà không dám đi đâu, lúc nào cũng chỉ cầu mong một phép nhiệm màu sẽ xảy ra với gia đình: “Đến giờ phút gần cuối đời, tôi chỉ có mong ước tìm lại được gia đình ruột cho Trang, dù sao con cũng phải được biết nguồn cội của gia đình mình. Thứ hai, tôi cũng muốn được gặp con đẻ của mình – đứa con mà tôi đã làm thất lạc trong bệnh viện”, bà Hạnh nghẹn ngào chia sẻ.