Là một chuyên gia giáo dục toàn cầu, cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng nếu giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A, nơi em N.T.H.Y đang theo học làm hết trách nhiệm và tình thương của cô thì chắc chắn trong lớp cô không bao giờ xảy ra những việc này.
Vì những hành vi bắt nạt bạn trong lớp không phải bộc phát, nó tiềm ẩn từ lâu. “Đáng lý, khi sự việc diễn ra lần đầu tiên, cô phải biết và giáo dục học sinh ngay. Nhưng cô để con bị bắt nạt nhiều lần và đến lần này thì sự việc quá nghiêm trọng. Cô thiếu nhiều thứ quá, thiếu tình thương, thiếu cả phương pháp” - cô Quyên nhấn mạnh.
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, những người như cô giáo chủ nhiệm kia không hiếm. Chỉ biết “an toàn” cho bản thân mình, không dám nhận trách nhiệm, không nhìn thấy đó là trách nhiệm của mình. Sự việc diễn ra nhiều lần trong lớp mà cô không biết, chứng tỏ cô quá kém về nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm. Khi sự việc diễn ra lại thấy đó không phải lỗi của cô mà cô lại tìm cách bao biện, né tránh.
“Trong tất cả các ngành nghề, nghề giáo và nghề y có một điều kiện tiên quyết, đó là trái tim con người ngoài nghiệp vụ chuyên môn. Giáo dục không phải chỉ dạy chữ, mà dạy làm người”, cô Quyên nói.
Vậy có nên điều chuyển giáo viên chủ nhiệm này không? Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, điều chuyển là cách ứng xử không phải là giải pháp. “Tảng băng chìm” của giáo dục còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với phần nổi lên mà ta nhìn thấy. “Tảng băng chìm” ở đây là nền tảng đạo đức của những học sinh.
Những đứa trẻ này là sản phẩm lỗi của giáo dục. Sự ích kỷ và bỏ rơi đồng loại là hành vi còn thua cả loài vật! “Tất cả học sinh của lớp này không vô can trong câu chuyện đau lòng, khi mà người bị đánh từng thường xuyên bị bắt nạt. Tôi cho rằng không chỉ những đứa bé tham gia đánh bạn cần được giáo dục lại mà cả lớp cũng rất cần. Và đặc biệt giáo viên của lớp cũng cần xem lại và điều chỉnh nghiệp vụ sư phạm của mình bởi sự quan tâm, hiểu biết, phương pháp và tình yêu của giáo viên chủ nhiệm chưa đủ để cảm hoá, giáo dục, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh mình.
Vai trò của hiệu trưởng, người đứng đầu rất quan trọng. “Hiệu trưởng phải quan tâm và có giải pháp, phải có hỗ trợ thầy cô” - cô Quyên nói. Nghiêm trọng hơn, từ sự việc này, cô Quyên cho rằng, toàn bộ học sinh trong lớp 9A không có niềm tin vào giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của mình nên không tố cáo hành vi của bạn. Thậm chí, ngay cả học sinh N.T.H.Y, người bị các bạn bạo hành hơn 1 lần cũng không có niềm tin với các thầy cô giáo của mình nên âm thầm chịu đựng.