Vụ nổ khiến ba người chết: Di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư

TP - Sáng 22/10, UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành liên quan đến tình hình mua bán, sử dụng hóa chất gây nổ trên địa bàn trong thời gian vừa qua gây bất an đối với người dân.
Vụ nổ khiến ba người chết: Di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư ảnh 1

Hiện trường vụ nổ ở chi nhánh Cty Đặng Huỳnh gây chết 3 người, 5 người bị thương và làm sập, hư hỏng hàng trăm căn nhà. Ảnh: Việt Văn

Điển hình như vụ cháy lớn tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái (KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đã thiêu rụi 500 tấn hóa chất, môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và mới đây là vụ nổ hóa chất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12) làm 3 người thiệt mạng, hàng trăm căn nhà bị sập và hư hỏng.

Lỗ hổng trong khâu quản lý

Đại tá Trần Thanh Châu - Phó GĐ Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 vụ cháy, nổ do hóa chất gây ra. Các vụ nổ này làm chết 7 người, 6 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 34 tỷ đồng. Chưa kể đến vụ nổ ở Cty Đặng Huỳnh (quận 12) vẫn chưa thống kê thiệt hại vì còn trong quá trình điều tra.

Đại diện Công an TPHCM thông tin thêm, trên địa bàn phường 13, quận 5 (khu vực xung quanh chợ Kim Biên) có hơn 51 cơ sở kinh doanh mua bán các loại hóa chất. Nhiều loại hóa chất là tiền chất gây nổ, được dùng làm thuốc nổ nhưng không nằm trong danh mục cấm được các cơ sở kinh doanh mua bán một cách dễ dàng.

Đại diện Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết thêm, hiện thành phố có khoảng 139 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ, thuộc dạng hộ gia đình nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Các cơ sở này có diện tích nhỏ, kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh. Theo quy định, không lập hồ sơ quản lý riêng lẻ mà quản lý theo khu dân cư. Do đó, trách nhiệm thuộc về địa phương quản lý.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM cho rằng, luật có quy định cụ thể nhưng việc phân công quản lý lại chồng chéo, nhiều lỗ hổng, sơ hở.

Ông Minh dẫn chứng: hóa chất sản xuất nông nghiệp thuộc trách nhiệm của bộ và sở nông nghiệp. Những loại hóa chất dùng cho sản xuất công nghiệp thì Bộ Công thương quản lí, trong công nghiệp quốc phòng thì lại thuộc Bộ Quốc phòng quản lí. Chưa kể, những hóa chất được xếp vào nhóm có tiền chất ma túy, dùng sản xuất tân dược thì lại đẩy cho Bộ Y tế,…

Di dời các cơ sở ra khỏi khu dân cư

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trong 2 năm qua, ông đã ký lệnh kiểm tra đối với 74 cơ sở và đã lập hồ sơ, kiến nghị xử phạt hành chính 63 trường hợp, đã khởi tố 8 vụ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cứ tái diễn. Do đó cần phải siết chặt quản lý mua bán, sử dụng hóa chất dễ gây nổ.

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, công tác quản lý địa bàn của 24 quận huyện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu kiểm soát đối với các cơ sở có hoạt động sản xuất ở khu dân cư. Từ đó dẫn đến những vụ cháy nổ đáng tiếc xảy ra, hậu quả vô cùng lớn. Ông Quân yêu cầu, tất cả 24 quận huyện trên địa bàn cần nghiêm túc xem xét lại công tác quản lý.

TPHCM thống nhất giao Sở Công thương TPHCM chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất phân bón có sử dụng hóa chất. Đồng thời, ngay sau cuộc họp, Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp với các sở ban ngành có liên quan lập danh sách những cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất để rà soát nguồn gốc, siết chặt quản lý những cơ sở này.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND 24 quận huyện lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa chất ra khỏi khu dân cư.

MỚI - NÓNG