Mời đi lấy lời khai, nhưng...
Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Thượng tá công an nhận tiền tỷ để “chạy trường” cảnh sát” vào ngày 6/10/2016, nêu thắc mắc của những người tố cáo là “Từ đó đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy Cơ quan điều tra gọi lên để lấy lời khai. Không hiểu vì sao nhà chức trách lại xử lý vụ việc chậm trễ như vậy?”, thì sau đó, một số chủ hộ đã đưa tiền cho thượng tá Y Tuyến mới được cơ quan điều tra mời đi lấy lời khai ban đầu.
Người mắc lừa thượng tá Y Tuyến Ksơr đầu tiên trong 10 hộ dân là ông Trần Hồng Lĩnh sinh năm 1969, trú phường Yên Thế. Do có con đã thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhưng thiếu điểm, nghe có người mách thượng tá Y Tuyến Ksơr “chạy suất” vào trường được, ông Lĩnh đã sang Đắk Lắk đưa cho ông Y Tuyến 310 triệu đồng ngay tại phòng làm việc của PC 64 và được ông thượng tá này viết giấy cam kết ký nhận tiền hẳn hoi. Tin theo hướng dẫn của thượng tá Y Tuyến, ông Lĩnh về kể lại cho nhiều người biết nên đã có thêm 9 người nữa ở Gia Lai gom tiền đem qua cho thượng tá Y Tuyến, trong đó 6 người đi cùng ông Lĩnh và 3 người tự đi.
Một trong 3 người tự đi gặp ông Tuyến, là ông Võ Mạnh Cường ở huyện Cư Pah đã đưa ông Y Tuyến tới 450 triệu đồng. Khi nhận được giấy mời của Công an tỉnh Đắk Lắk về vụ việc này, ông Cường đã nhờ một người quen là ông Hải đi thay mà không có giấy ủy quyền. Đến nơi, người tiếp ông Hải cũng không phải là 2 điều tra viên có tên trong giấy mời nên buổi làm việc không tiến hành được.
Cần xử lý nghiêm minh
Luật sư Trần Phước Cách- nguyên thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Công dân có quyền từ chối hợp tác vì thành phần làm việc không đúng như trong giấy mời. Việc công an không đeo bảng tên, không giới thiệu bản thân cũng như nội dung buổi làm việc là thiếu tôn trọng công dân, không đúng tác phong của người điều tra.
Cũng theo luật sư Cách, điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ lúc nhận được tin tố giác tội phạm, cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh, sau đó ra văn bản khởi tố hoặc không khởi tố và phải báo cho người tố giác biết. Trường hợp phức tạp thì thời hạn cũng không quá 2 tháng. Trong vụ này, ngày 11/8/2016, thanh tra Công an tỉnh Đắk Lắk xác định ông Y Tuyến Ksơr có dấu hiệu phạm tội. “Đến ngày 12/10/2016, nghĩa là quá 2 tháng mà Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk mới chỉ có động thái mời các thân chủ của tôi đến làm việc và chưa ra bất kỳ văn bản nào về việc khởi tố hay không khởi tố là vi phạm về thời hạn giải quyết tin tố giác tội phạm”- luật sư Cách khẳng định!
Phía Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết chưa thấy cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đả động gì đến chuyện khởi tố hành vi của ông Y Tuyến Ksơr. Chiều 17/10/2016, làm việc với đại diện báo Tiền Phong về vấn đề này, trung tá Bùi Trọng Tuấn trưởng phòng Tham mưu- Người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ngay từ tháng 6/2016, khi tiếp nhận đơn tố cáo của các hộ dân, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo xác minh. Chánh Thanh tra Công an tỉnh sau đó đã xác nhận đơn tố cáo có cơ sở, đúng sự thật. Tuy nhiên do ông Y Tuyến Ksơr có vấn đề về sức khỏe, đang được bệnh viện 30/4 cho điều trị ngoại trú, nên đến nay Công an tỉnh vẫn chưa xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền, hay xem xét kiểm điểm ông này được.
Sự thật, thì ông Y Tuyến bị bệnh gì? Có nghiêm trọng đến mức chưa thể xem xét kiểm điểm, hay khởi tố để điều tra không? Trung tá Bùi Trọng Tuấn nói ông chỉ biết bệnh của ông Y Tuyến liên quan đến tâm thần. Việc tới nay thượng tá Y Tuyến vẫn chưa bị xử lý kỷ luật là phù hợp với quy định tại Điều 5 khoản 1 của Thông tư số 16 do Bộ Công an ban hành, đối với trường hợp đang trong thời gian điều trị bệnh, có xác nhận của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên.