Vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Công ty TVEL không được cấp phép hoạt động báo chí

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan điều tra bắt Trịnh Phương Nam
Cơ quan điều tra bắt Trịnh Phương Nam
TPO - Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Cty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật không phải là cơ quan được bộ cấp giấy phép hoạt động báo chí. Vì vậy, khi xuất bản đặc san, công ty trên không được thực hiện các hoạt động báo chí như cơ quan báo chí.

Công ty TVEL không phải là cơ quan báo chí

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã phản hồi tới Sở TT&TT Đắk Nông kết quả xác minh hoạt động của Cty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật (Cty TVEL, trụ sở ở quận Gò Vấp, TP.HCM).

Theo Cục Báo chí, ngày 25/3/2021, cục đã cấp giấy phép xuất bản đặc san Giáo dục và Pháp luật số 63/GP-XBĐS cho công ty trên. Khoản 19, Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Đặc san là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, không phải là sản phẩm báo chí.

Cục Báo chí khẳng định, Cty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật không phải là cơ quan báo chí được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo chí. Vì vậy, khi xuất bản đặc san, công ty trên không được thực hiện các hoạt động báo chí như cơ quan báo chí.

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 1/8, Viện KSND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Phương Nam (SN 1988) về tội cưỡng đoạt tài sản. Ông Nam là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Giáo dục và Pháp luật - TVEL tại Đắk Nông - Chi nhánh Cty TVEL, trực thuộc Trung tâm phát triển Giáo dục và truyền thông -CEDC tại TP.HCM.

Vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Công ty TVEL không được cấp phép hoạt động báo chí ảnh 1

Cục Báo chí khẳng định thẻ nhà báo của Trịnh Phương Nam không phải thẻ của Bộ TT&TT cấp

Trước đó, từ ngày 10-15/7, Nam đã đến gặp gỡ rồi đe dọa một chủ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Đắk Mil, buộc phải đưa trực tiếp và chuyển khoản cho Nam 8 triệu đồng.

Ngày 17/7, Nam bị Công an huyện Đắk Mil bắt giữ khi đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của chủ trang trại chăn nuôi. Kiểm tra trên người và nơi làm việc, công an thu giữ một thẻ nhà báo nghi làm giả, 3 thẻ cộng tác viên đều mang tên Trịnh Phương Nam.

Về thẻ nhà báo bị thu giữ, sau khi xác minh, Cục Báo chí cho biết đây không phải là Thẻ nhà báo do Bộ TT&TT cấp.

Thanh tra sở ra "tối hậu thư"

Liên quan tới hoạt động của Trung tâm TVEL, ông Nguyễn Công Bẩy, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk cho Tiền Phong biết vừa phát giấy mời lần 2 đối với Trung tâm TVEL khu vực Tây Nguyên (địa chỉ ở phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, trực thuộc CEDC) hẹn làm việc vào 8h30 ngày 12/8 để làm rõ một số nội dung thông tin liên quan đến hoạt động báo chí và không gian mạng của trung tâm này trên địa bàn. Theo ông Bẩy, trước đó, đơn vị đã mời trung tâm này lên làm việc cùng nội dung vào ngày 6/8 song họ không đến.

Vẫn theo ông Bẩy, nếu ngày 12/8 tới, phía trung tâm vẫn không cử người đến làm việc, Thanh tra Sở TT&TT sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh Đắk Lắk xử lý theo quy định.

Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk cũng cho hay, hiện có ít nhất 3 đơn thư khiếu nại, tố cáo các dấu hiệu hoạt động sai phạm của Trung tâm TVEL Tây Nguyên và các trang thông tin trực thuộc CEDC gửi tới đơn vị này đề nghị xác minh, xử lý.

Vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Công ty TVEL không được cấp phép hoạt động báo chí ảnh 2

Giấy giới thiệu của Kênh TVEL cấp cho "phóng viên" đi tác nghiệp

Tại Đắk Nông, bà Hà Thị Tá, đại diện Cty TNHH MTV Dược liệu T.N (trụ sở ở TP.Gia Nghĩa) cũng từng làm đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng về việc kênh Truyền hình giáo dục và Pháp luật tại Đắk Nông (kênh TVEL, có địa chỉ: http://kenhtvel.com.vn, đóng tại địa bàn Đắk Nông) đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xâm phạm đến lợi ích cá nhân bà.

Cụ thể, theo bà Tá, kênh này đã đăng “Phóng sự điều tra: Dấu hiệu “lừa đảo” phát triển cây dược liệu tại Tây Nguyên”, quy chụp bà Tá thành người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Thanh tra Sở TT&TT Đắk Nông, sau khi tiếp nhận công văn chuyển đơn từ Phòng PA03, Công an tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã làm việc với ông Trịnh Phương Nam. Ông Nam cho biết, Trưởng ban biên tập đã gỡ bài liên quan đến bà Tá và đã đăng thông tin cải chính xin lỗi.

Thanh tra Sở TT&TT Đắk Nông cho biết đã nhắc nhở đại diện của Cty TVEL chi nhánh Đắk Nông rút kinh nghiệm, hoạt động đúng giấy phép do Sở TT&TT TP.HCM cấp.

Vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Công ty TVEL không được cấp phép hoạt động báo chí ảnh 3

Giấy chứng nhận để xe ô tô của Trung tâm TVEL gắn chữ Bộ TT&TT khiến nhiều người hiểu nhầm đây là cơ quan báo chí trực thuộc bộ

Cơ quan chủ quản "phủi" trách nhiệm

Sau khi ông Nam bị bắt, Trung tâm CEDC đã đăng tải thông cáo báo chí về sự việc. Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị chủ quản, Trung tâm CEDC không nhận trách nhiệm trong việc quản lý nhân viên, người của công ty, mà cho rằng: “Ông Trịnh Phương Nam bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về tội cưỡng đoạt tài sản là việc của cá nhân ông Trịnh Phương Nam phạm tội, ông Trịnh Phương Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Trong thông cáo báo chí, Trung tâm CEDC cũng thừa nhận, các chi nhánh thuộc Cty TVEL khi được thành lập, trong thời gian đầu mới hoạt động có một số sai phạm về hành chính như ban hành và cấp các loại giấy tờ tài liệu không đúng thẩm quyền, sai với chức năng nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh.

Trước đó, ngày 4/5, Trung tâm TVEL khu vực Tây Nguyên cũng ra quyết định thu hồi tất cả thẻ công tác của các cộng tác viên, biên tập viên, cán bộ biên tập, giấy chứng nhận dán trên các xe ô tô đi tác nghiệp đã được trung tâm này cấp.

MỚI - NÓNG