Vụ loạt cây gỗ đường kính lớn bị cưa xẻ, Kiểm lâm Bình Định nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kết quả kiểm tra có 15 cây bị khai thác trái pháp luật, tại khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên (huyện Vân Canh), thuộc rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ.

Sáng 21/3, làm việc với Tiền Phong, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho hay, trong ngày hôm qua (20/3) các đơn vị đã đi kiểm tra hiện trường vụ chặt phá cây rừng trái phép xảy ra khu vực rừng thuộc địa phận huyện Vân Canh.

Vụ loạt cây gỗ đường kính lớn bị cưa xẻ, Kiểm lâm Bình Định nói gì? ảnh 1

Hiện trường cây gỗ trong rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ bị cưa, xẻ. Ảnh: Trương Định

Ông Sáu cho hay, qua kiểm tra, một số cây vết cưa còn mới. Vị trí cây rừng bị cưa hạ thuộc rừng tự nhiên, quy hoạch chức năng phòng hộ; đơn vị quản lý là Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, tổng số cây bị khai thác trái pháp luật là 15 cây, tại khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Số cây lấy được gỗ ra khỏi hiện trường là 6, đường kính từ 25 - 50cm, số còn lại cây nhỏ hoặc rỗng ruột; chủng loại là Ké thuộc nhóm V và Sổ nhóm VII.

Ông Sáu cho rằng, đây là hành vi khai thác cây rừng lấy gỗ trái phép chứ không phải phá rừng. Những người khai thác cây trái phép này chủ yếu là dân địa phương, với mục đích lấy gỗ đem về xây nhà, làm hòm (quan tài). “Tuy nhiên, việc này để cơ quan chức năng họ điều tra”, ông Sáu nói.

Cũng theo ông Sáu, các đối tượng lén lút khai thác và vận chuyển gỗ trên những con đường tránh nên khó phát hiện. Về khối lượng gỗ bị khai thác, ông Sáu cho hay, sẽ phối hợp với Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tỉnh để xác định. Theo quy định nếu số lượng gỗ trên 7m3 gỗ tròn thì sẽ khởi tố vụ án.

Vụ loạt cây gỗ đường kính lớn bị cưa xẻ, Kiểm lâm Bình Định nói gì? ảnh 2

Những gốc cây có đường kính lớn bị cưa hạ. Ảnh: Trương Định

Nói về trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn này, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định Lê Đức Sáu cho hay, trước hết thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, thứ hai là UBND huyện.

Ngoài ra, khi được hỏi về tình trạng chặt phá cây rừng trái phép diễn ra “âm ỉ” trong thời gian dài, không phải mới đây nhưng đơn vị quản lý không phát hiện kịp thời, ngăn chặn ngay từ đầu, chậm báo cáo, ông Sáu nói sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh để kiểm điểm trách nhiệm.

Trước đó, như Tiền Phong phản ánh, từ nguồn tin báo của người dân về tình trạng chặt phá cây rừng trái phép trong khu vực thuộc huyện Vân Canh, trong ngày 19/3, PV Tiền Phong đã tiếp cận hiện trường để ghi nhận.

Tại đây, PV phát hiện nhiều cây gỗ vừa bị chặt hạ, dấu cưa còn rất mới, dăm gỗ nằm vương vãi khắp nơi, thân cây được cưa xẻ ngay tại chỗ thành từng đoạn và tấm ván gỗ. Một số đã được vận chuyển đi, số còn lại vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Dọc đường vào rừng, PV cũng bắt gặp các khu lán trại để lại với nhiều đồ vật, như: nồi, xoong, quần áo, can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa. Đáng nói, ngay từ phía bìa rừng tại con đường dẫn vào khu vực nêu trên có Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh. Cách đó không xa cũng có thêm một chốt bảo vệ rừng khác của Hạt Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn.

MỚI - NÓNG