Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Ám ảnh cảnh hoảng loạn, la hét trong đêm

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
TP - Nhiều toa tàu nghiêng đổ xuống ruộng, tiếng khóc, la hét ở giữa cánh đồng khiến nhiều người vẫn chưa hết hoảng loạn.

Sau va chạm mạnh giữa đầu tàu với xe ô tô tải ở ngay điểm gác chắn, đoạn giao nhau giữa đường sắt và đường vào xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhiều toa tàu nghiêng đổ xuống ruộng, tiếng khóc, la hét ở giữa cánh đồng khiến nhiều người vẫn chưa hết hoảng loạn.

Mọi người hỗ trợ nhau tìm lối thoát trên tàu

Sáng qua 24/5, tức sau vài giờ được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Tĩnh Gia để điều trị vết thương ở chân do cửa kính toa tàu vỡ đâm vào, hành khách Nguyễn Văn Dầu (SN 1983, quê ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia) còn chưa hết bàng hoàng. Anh Dầu kể: Trên chuyến tàu SE19, tôi là hành khách đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Tôi ngồi ghế mềm ở toa số 1. Toa số 1 cách vị trí đầu tàu một toa căng tin. Lúc đó, hầu hết mọi người trên toa đều đang ngủ, thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh. Toa tàu nghiêng đổ xuống ruộng, mùi khói bốc lên, choáng váng, nhưng nhiều người trong toa vẫn cố gắng bình tĩnh hô mọi người tìm búa đập kính, tìm cửa thoát hiểm. Sau đó, 1 người trên tàu mở được cửa toa, chúng tôi cùng nhau hỗ trợ đưa hết người ra khỏi toa, lên bờ. Tôi và nhiều người khác trên toa số 1 tiếp tục chạy đến các toa tàu khác để cùng hỗ trợ mọi người ra khỏi toa.

Lúc này, trên tàu hoảng loạn, tiếng trẻ em khóc, người lớn la hét. Sau đó, những người bị thương được đi cấp cứu tại bệnh viện, hành khách thì được vận chuyển ra quốc lộ 1 A để quay về Hà Nội hoặc đến các trạm ga khác tiếp tục hành trình.

Chưa hết hoảng sợ, chị Lưu Thị Mùi (SN 1991, quê ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, lúc đó chị và con gái hơn 1 tuổi đang nằm ngủ ở toa 2, bất ngờ nghe tiếng động mạnh, toa tàu nghiêng đổ. Cả hai bị va đập mạnh nên khóc thét lên. Chị hoảng sợ ôm chặt lấy con, sau đó một lúc, cả hai được những người khác trên tàu ứng cứu, hỗ trợ di chuyển ra khỏi tàu. Chồng chị là anh Lê Ngọc Tài (ngồi ở toa 1) thì bị va đập vào thành ghế nên chân và vai bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Tĩnh Gia.

Sẽ khởi tố vụ án khi đủ cơ sở

Chiều 24/5, trao đổi với Tiền Phong, đại tá Khương Duy Oanh, phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, nguyên nhân sự việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra, chưa thể công bố gì thời điểm này. Khi đủ cơ sở, cơ quan công an sẽ có quyết định khởi tố vụ án.

Được biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, hai nhân viên gác chắn là Phạm Văn Vui (SN 1978) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1983) cùng trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia đã được triệu tập phục vụ công tác điều tra.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, vị trí xảy ra tai nạn có âm thanh, đèn, biển báo, gác chắn, nhà điều hành. Đây là vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường vào xã Trường Lâm (đường này nối với quốc lộ 1A). Một phần gác chắn bên trái đường sắt (hướng Bắc - Nam) ở vị trí tai nạn bị hư hỏng nằm ngay sát chiếc xe tải bị lật đổ. Hộp phát âm thanh cảnh báo tàu đi qua đã được cơ quan công an niêm phong.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Hoàng Linh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khoảng 0h30 sáng 24/5, tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người chết và hơn 10 người bị thương, đầu máy và 6 toa của đoàn tàu bị đứt rời, văng xuống ruộng. Nguyên nhân ban đầu được xác định, đoàn tàu SE19 đã tông trực diện vào một chiếc xe tải lưu thông qua trạm chắn gác đường sắt.

Trước khi xảy ra vụ việc, đoàn tàu SE19 lưu thông theo hướng Hà Nội - Đà Nẵng. Trên tàu này do ông Nguyễn Hồng Sơn làm trưởng tàu, lái chính là ông Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, trú phường Thượng Thanh, quận Long Biên , TP Hà Nội) và phụ tàu là Nguyễn Văn Đệ (SN 1985, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Khi tàu lưu thông qua đoạn đường nêu trên thì va chạm với chiếc xe tải mang biển kiểm soát 37C. 151.38, do tài xế Hồ Sỹ Nam (SN 1984, trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) điều khiển. Vụ tai nạn đã khiến lái tàu là Nguyễn Thế Hùng và phụ tàu Nguyễn Văn Đệ tử vong, còn người lái xe tải cũng bị thương nặng. Ngoài ra, có hơn 10 người bị thương đang điều trị ở các Bệnh viện đa khoa Vinh (Nghệ An), Đa khoa Tĩnh Gia (Thanh hóa), Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu hộ, khám nghiệm hiện trường, khắc phục sự cố. Trong buổi sáng 24/5, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Tĩnh Gia.

Nhân viên phục vụ tàu bị hất văng ra ngoài

Ngày 24/5, thông tin từ bác sĩ Đặng Ngọc Anh - Khoa cấp cứu bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, vào lúc 3h (ngày 24/5), bệnh viện tiếp nhận 3 nạn nhân trong vụ lật tàu ở Thanh Hóa. Danh tính 3 nạn nhân được xác định gồm: Ông Thái Anh Tuấn (41 tuổi), trú tại phường Quang Trung, TP Vinh cùng vợ là bà Phạm Thị Vân Anh (42 tuổi) và ông Bùi Anh Toàn (40 tuổi), trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh. Đến thời điểm hiện tại, nạn nhân Toàn đã xuất viện còn vợ chồng ông Tuấn vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. Được biết, ông Tuấn là nhân viên phục vụ tàu.

Nạn nhân Phạm Thị Vân Anh được điều trị chăm sóc tại khoa chấn thương chỉnh hình với vết thương ở tay, chân. Bà Vân Anh cho biết: “Tôi lên tàu SE19 vào khoảng 20h30 ngày 23/5. Đến khoảng 00h (ngày 24/5), tôi di chuyển đến toa phục vụ ăn uống để ăn khuya. Lúc đó, trên toa này có khoảng 9 - 10 người. Tất cả đang ăn thì bỗng nghe tiếng va chạm mạnh, rồi tàu lật nghiêng, tôi ngã xuống sàn, ai cũng hốt hoảng, không biết chuyện gì xảy ra. Một lúc sau, mọi người dùng đèn pin điện thoại để tìm kiếm những người bị nạn. Chồng tôi bị văng ra ngoài, phần sắt đè lên người bất tỉnh. 1 tiếng sau, lực lượng cứu hộ đến và đưa những người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện. Chồng tôi bị thương nặng, nên chưa thể nói chuyện gì”. 

Cảnh Huệ

MỚI - NÓNG