Vụ kiểm lâm tông công an: 'Xe máy không hề phanh”'

Tất cả các bên trong vụ án đều khẳng định, xe máy không hề phanh trước va chạm.
Tất cả các bên trong vụ án đều khẳng định, xe máy không hề phanh trước va chạm.
TPO - Trong phiên tòa xét xử vụ kiểm lâm tông công an, chủ tọa khẳng định, trước va chạm xe ô tô có xử lý và phanh lại trong khi đó xe máy do chiến sĩ cảnh sát cơ động điều khiển không hề phanh tuy nhiên, tai nạn do lỗi của người điều khiển ô tô.

Xe máy không hề phanh

Sáng 1/11, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xử phúc thẩm Vũ Văn Vinh - kiểm lâm viên về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” trong vụ kiểm lâm tông công an.

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên khẳng định tối 18/2/2015, bị cáo điều khiển xe ô tô trên đường Cách mạng tháng 8 khi rẽ vào đường Nha Trang đã va chạm xe máy do anh Bùi Xuân Hòa - cảnh sát cơ động Thái Nguyên chở đồng đội là anh Nguyễn Khắc Trường đi làm nhiệm vụ.

Hậu quả, anh Trường văng xa 11m tử vong, 2 phương tiện bị hư hỏng nặng. Căn cứ vết phanh, giám định hình sự xác định xe ô tô đi với vận tốc 21 - 23km/h; xe máy không để lại vết phanh nên không thể xác định tốc độ trước va chạm; không đủ căn cứ xác định ô tô đâm xe máy hay ngược lại. Quá trình điều tra, anh Hòa không có yêu cầu gì, không giám định sức khỏe.

Tuy vậy, người giữ quyền công tố cho rằng, nguyên nhân tai nạn do ông Vinh chuyển hướng không quan sát, không nhường đường. Vì vậy, tòa cấp sơ thẩm xử phạt Vũ Văn Vinh 3 năm tù là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, chưa tiền án.... nên đề nghị tòa phúc thẩm chuyển hình phạt sang 3 năm tù treo.

Được đối đáp, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng quá trình xử lý vụ án vi phạm nghiêm trọng quy định điều tra, tố tụng như không kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe mô tô; không thu giữ mũ bảo hiểm; các mẫu nhựa, lốp cao su dù đã thu thập đủ nhưng không mang đi giám định và hiện không còn; CQĐT Công an TP Thái Nguyên cũng vội vàng trả lại chiếc xe máy tang vật cho Công an tỉnh Thái Nguyên mang đi sửa chữa....

Về việc tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo Vinh dùng bằng B2 thời hạn 5 năm đã hết hạn 1 tháng khi tai nạn, ông Thiệp dẫn các quy định của Tổng cục đường bộ về không bắt buộc phải đổi bằng khi hết hạn 5 năm, được tự động chuyển thành 10 năm nên giấy phép này có hiệu lực.

Tiếp đến, chính giám định cũng xác định ô tô đi 21km/h tức trước khi va chạm đã dừng hẳn tại vị trí va chạm cách lề đường 1,7m, tức ô tô đã gần ra khỏi giao lộ anh Hòa mới đi xe máy tới. Vì vậy, quy kết ông Vinh không quan sát, không nhường đường là không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng. Đặc biệt, ông Vinh do đã quan sát nên lập tức xử lý, phanh xe lại; anh Hòa do đi nhanh, không quan sát hoặc xử lý nên không có đường phanh, đây là quan hệ nhân - quả trong vụ án.

Luật sư cũng khẳng định, chính xe máy đi nhanh, vượt được xe của nhân chứng đang đi tốc độ 40km/h và đâm vào ô tô nên người ngồi sau mới văng về phía trước 11,4m, nằm cách lề đường 1,7m theo đúng hướng xe máy di chuyển. Nếu đâm ngang, nạn nhân không thể văng theo quán tính như vậy. Ông Thiệp dẫn các dấu vết trên xe máy khẳng định cho lập luận của mình gồm bình xăng, chân chống... bên trái không bị ảnh hưởng nhưng phần càng trước xe cong về phía sau.

Từ đó, luật sư Lê Văn Thiệp đề nghị tòa tuyên Vũ Văn Vinh không phạm tội; khởi tố vụ án với Bùi Xuân Hòa; kiến nghị VKSND Tối cao điều tra hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Vụ kiểm lâm tông công an: 'Xe máy không hề phanh”' ảnh 1

Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm

Tối 30 Tết nên không đo nồng độ cồn

Đáp lại, kiểm sát viên tái khẳng định bằng B2 của ông Vinh đã hết hạn. Khi tai nạn xảy ra, anh Trưởng tử vong tại chỗ, anh Hòa phải đi cấp cứu, cần tập trung cứu chữa và hôm đó là tối 30 Tết nên không thể đo nồng độ cồn. “Cái này là sai sót của cấp sơ thẩm, tôi xác nhận” - kiểm sát viên nói.

Cũng do lúc đó, các cơ quan chuyên môn cứu chữa nạn nhân nên đã sai sót khi không thu giữ mũ bảo hiểm. “Mũ bảo hiểm là công cụ hỗ trợ, họ không muốn thất thoát nên mang về, không đưa về hồ sơ” - lời kiểm sát viên.

Về đề nghị khởi tố Hòa, điều tra hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, kiểm sát viên từ chối tranh luận vì phiên phúc thẩm chỉ xử kháng cáo của ông Vinh. Đề nghị các luật sư trao đổi yêu cầu với cơ quan có thẩm quyền. Cũng theo kiểm sát viên, cơ quan điều tra xác định anh Hòa không có lỗi nên trả lại xe máy cho chủ sở hữu là Công an tỉnh Thái Nguyên là đúng.

Đối đáp, luật sư Thiệp viện dẫn án sơ thẩm và quan điểm của luật sư bào chữa cho anh Hòa đều khẳng định anh có lỗi vi phạm tốc độ nhưng là lỗi hành chính. “Đây cũng là lỗi, tại sao lại vội vàng trả lại xe mô tô?” - luật sư đặt câu hỏi.

Tiếp đến, chính kiểm sát đã nói do tai nạn gần trụ sở công an tỉnh nên đơn vị bố trí 2 đồng chí bảo vệ hiện trường, còn lại đưa người bị thương đi cấp cứu. “Vậy bảo vệ hiện trường làm gì, tại sao không thu mũ?... Tại sao không đo nồng độ cồn dù là bắt buộc? Không có quy định nào cho phép công an không cần đo nồng độ cồn hoặc không đo trong ngày 30 Tết... trong khi chưa đầy 24h sau, anh Hòa đã tỉnh và lúc này hoàn toàn lấy được nồng độ cồn” - ông Thiệp nói.

Vụ kiểm lâm tông công an: 'Xe máy không hề phanh”' ảnh 2

Bị cáo Vũ Văn Vinh khẳng định không đồng tình quyết định của tòa, sẽ tiếp tục kêu oan.

Trước lập luận của người bào chữa, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm của mình. Sau nghị án, chủ tọa tuyên án phúc thẩm, khẳng định ông Vinh có lỗi vô ý, quá tự tin khi không giảm tốc độ về mức an toàn.

“Anh Hòa cũng không giảm tốc độ, chỉ giảm ga, không nhấn phanh và thực tế trên hiện trường cũng không có dấu vết phanh xe mô tô” - chủ tọa nói.

Dù vậy, tòa cho rằng nguyên nhân chủ yếu vụ kiểm lâm tông công an vẫn thuộc bị cáo Vinh, hành vi của bị cáo là nguy hiểm. Tuy nhiên, lỗi cũng một phần thuộc anh Hòa và bị cáo Vinh có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX quyết định phạt Vũ Văn Vinh 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

MỚI - NÓNG