“Trong một thập kỷ qua, ông Kim Jong-un đã đạt được những thành tựu lớn, có thể kể đến việc phát triển các loại vũ khí chiến lược như hạt nhân và tên lửa tầm xa”, Kim Yeol-su, chuyên gia Viện nghiên cứu Các vấn đề quân sự cho biết.
“Triều Tiên từng lo ngại về khả năng bị Mỹ tấn công. Nhưng với những vũ khí chiến lược này, Bình Nhưỡng có thể nghĩ rằng họ đã đạt được khả năng răn đe tối thiểu trước các mối đe doạ hiện hữu.”
Một dấu mốc quan trọng trong chiến lược quân sự của ông Kim Jong-un là việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có khả năng tấn công lục địa Mỹ vào tháng 11/2017.
Ông Kim cũng thúc giục việc “thu nhỏ và tiêu chuẩn hoá” đầu đạn hạt nhân. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim, Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân từ năm 2013-2017.
Vụ thử năm 2017 mà Triều Tiên tuyên bố là thử bom H đã khiến Seoul và Washington sửng sốt, vì nó cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước đó, hai vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên được tiến hành vào năm 2006 và 2009.
Các chuyên gia bắt đầu gọi Triều Tiên là “cường quốc hạt nhân”, vì các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan được cho là đã hoàn thành việc phát triển bom hạt nhân sau 5 hoặc 6 vụ thử lớn.
Năm 2018, chương trình hạt nhân của Triều Tiên dường như đã chậm lại sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên ở Singapore.
Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán tiếp tục đi vào bế tắc, Bình Nhưỡng đã một lần nữa có những hành động khiêu khích như thử một loạt tên lửa tầm ngắn hơn, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Vụ thử SLBM mới nhất hồi tháng 10 cho thấy những tiến bộ rõ rệt của Triều Tiên, khi tên lửa được phóng từ tàu ngầm thay vì sà lan nổi. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng theo đuổi các bệ phóng đa dạng khác, bao gồm bệ phóng di động và bệ phóng từ tàu hoả.
Trong phiên họp của đảng Lao động hồi tháng 1, Triều Tiên công khai tuyên bố sẽ phát triển tên lửa đa đầu đạn, thiết bị tấn công không người lái và các hệ thống vũ khí công nghệ cao khác.
Mối quan tâm của Chủ tịch Kim đối với chương trình vũ khí là vô cùng rõ ràng, do ông luôn ý thức được các mối đe doạ từ Mỹ, theo Yonhap.
Một chuyên gia an ninh ở Seoul cho biết: “Mục tiêu trọng tâm ban đầu của ông Kim là tập trung phát triển các loại vũ khí chiến lược như vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ. Sau đó, ông ấy bắt đầu tập trung vào các loại vũ khí chiến thuật như tên lửa tầm ngắn hơn nhưng vẫn đầy uy lực để đạt được ưu thế quân sự trên bán đảo Triều Tiên.”