Ấn Độ lên kế hoạch hiện đại hóa đội tàu ngầm già cỗi ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Gần 2 thập kỷ sau dự kiến ban đầu, Ấn Độ quyết định chính thức mở thầu cho Dự án P75I (Dự án 75 Ấn Độ), hiện đại hóa và hướng tới đóng mới tàu ngầm trong nước.

Với việc chuẩn bị mời thầu thực hiện chương trình chế tạo tàu ngầm trị giá 430 tỷ rupee (gần 6 tỷ USD), lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Ấn Độ đi tìm nhà thầu hợp tác chiến lược cho dự án đóng tàu ngầm diesel-điện trang bị động cơ đẩy không sử dụng khí ngoài (AIP).

Đây là dự án thứ hai của Ấn Độ được thực hiện theo mô hình Đối tác chiến lược (SP). Ở dự án đối tác chiến lược trước đó, Ấn Độ đã trang bị 111 máy bay trực thăng cho lực lượng hải quân.

Đội tàu già cỗi

Ngoại trừ đội tàu sản xuất theo chương trình Scorpene, Hải quân Ấn Độ hiện đang vận hành một đội tàu ngầm già cỗi gồm 9 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 877 EKM. Theo hợp đồng mua sắm ký kết với Nga, Ấn Độ mua 10 chiếc Kilo 877 EKM, trong đó có 8 chiếc được đưa vào biên chế từ năm 1986 đến 1991. Hai chiếc còn lại được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2000.

Đội tàu 10 chiếc này hiện chỉ còn 8 chiếc đang còn hoạt động trong Hải quân Ấn Độ. Trong 2 chiếc còn lại, tàu ngầm INS Sindhuvir đã được chuyển giao cho Hải quân Myanmar vào năm 2020, còn tàu ngầm INS Sindhurakshak đã bị hỏng trong vụ nổ năm 2013 khi đang thả neo tại xưởng sửa chữa tại Mumbai. Vụ nổ đã làm 3 sĩ quan và 15 binh lính hải quân thiệt mạng.

Tàu ngầm lớp Kilo 877 EKM có lượng choán nước 3.000 tấn, có khả năng lặn xuống độ sâu 300 mét, đạt tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ (33km/h) và có thể hoạt động độc lập trong 45 ngày với thủy thủ đoàn 53 người.

Hải quân Ấn Độ hiện cũng vận hành 4 tàu ngầm điện-diesel HDW Type 1500, còn gọi là tàu ngầm lớp Shishumar. Bốn chiếc tàu ngầm này được đưa vào biên chế từ năm 1984 đến 1986. Hai chiếc tàu ngầm đầu tiên là INS Shishumar và INS Shankush được đóng tại nhà máy đóng tàu HDW (nay là Thyssenkrupp Marine Systems) ở Kiel, Đức.

Ấn Độ lên kế hoạch hiện đại hóa đội tàu ngầm già cỗi ra sao? ảnh 1
Tàu ngầm lớp Kilo 877 EKM được đóng tại St Petersburg, Nga. Ảnh: Naval Technology.

Hợp đồng đóng 2 chiếc tàu này bao gồm cả hạng mục đào tạo chuyên sâu cho các nhân viên của Mazagon Dockyards. Việc này đã giúp xưởng đóng tàu Mazagon Dockyards của Ấn Độ đóng được 2 chiếc tiếp theo là INS Shalki và INS Shalkul ngay tại Mumbai.

Có lượng choán nước 1.660 tấn, tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ (41km/h) và thủy thủ đoàn gồm 40 người, tàu ngầm lớp “Shishumar” được đóng dựa trên mẫu tàu ngầm HDW Type 209 nhưng đường kính thân tàu lớn hơn, có trang bị vách ngăn chịu áp và khoang cứu hộ.

Năm 2018, Thyssenkrupp Marine Systems đã ký hợp đồng trị giá 4,1 tỷ rupee (hơn 55 triệu USD) với Bộ Quốc phòng Ấn Độ để đại tu và hiện đại hóa tàu ngầm lớp Shishumar. Công tác đại tu dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, cho phép kéo dài tuổi thọ hoạt động của tàu ngầm thêm 10 năm nữa.

Năm 2016, Thyssenkrupp Marine Systems cũng nhận được hợp đồng trang bị hệ thống tên lửa Harpoon cho các tàu ngầm lớp Shishumar INS Shalki và INS Shalkul. Một năm sau, công ty này tiếp tục ký hợp đồng hiện đại hóa hệ thống chiến đấu và cảm biến trên tàu ngầm lớp Shishumar.

Chương trình “Make-in-India” lớn nhất

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ giấu tên, “Dự án P75I là một trong những dự án ‘Made in India’ lớn nhất, giúp Ấn Độ tiếp nhận công nghệ nhanh hơn, nhiều hơn và tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp đa tầng trong chế tạo tàu ngầm ở Ấn Độ.

Nếu mọi việc tiến triển tốt, Ấn Độ sẽ có thể thực hiện được chương trình đóng tàu ngầm đầy tham vọng như mong muốn đã từ lâu bị đình trệ của mình. Chính phủ Ấn Độ đưa ra chương trình này nhằm đạt được mục tiêu là làm sao để Ấn Độ có đủ năng lực chế tạo tàu ngầm và hướng ngành công nghiệp Ấn Độ tới việc có thể thiết kế và chế tạo tàu ngầm một cách độc lập ngay tại Ấn Độ”.

Cũng theo quan chức này, Ấn Độ có thể mất thêm 10 năm nữa để có thể đưa vào biên chế chiếc tàu ngầm đầu tiên do mình tự chế tạo. Mục tiêu ban đầu đặt ra là tới năm 2030 Ấn Độ sẽ sản xuất được 24 tàu ngầm thông thường. Tuy nhiên, chỉ tiêu này hiện đã giảm xuống còn 18 chiếc.

Hướng tới mục tiêu tự chủ

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xác định được 2 đối tác chiến lược của Ấn Độ có kinh nghiệm đóng tàu ngầm là Mazagon Dockyards và Larsen & Toubro. Đây là hai công ty có xưởng đóng tàu ở bờ Tây và bờ Đông Ấn Độ. Hai công ty này sẽ hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc. Theo điều khoản hợp tác, đối tác chiến lược phải đảm bảo tối thiểu 45% hàm lượng nội địa hóa trong 5 chiếc tàu ngầm đầu tiên xuất xưởng và ít nhất 60% từ chiếc thứ 6 trở đi.

Thông tin cho biết, một số nhà sản xuất thiết bị gốc, bao gồm Tập đoàn Hải quân Pháp, Tập đoàn Thyssenkrupp Marine Systems của Đức, Cục Thiết kế hàng hải trung ương Rubin của Nga, Công ty Navantia của Tây Ban Nha và Công ty TNHH Kỹ thuật hàng hải và đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc, đang rất quan tâm đến quá trình mời thầu này của Ấn Độ.

Kết thúc hợp đồng thuê tàu ngầm lớp Akula-2

Quyết định mời thầu được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ trao trả tàu ngầm tấn công hạt nhân duy nhất của Hải quân nước này - INS Chakra - về lại cho Nga, sớm hơn 10 tháng so với thời hạn hợp đồng cho thuê 10 năm, trị giá 2 tỷ USD, ký kết giữa hai nước.

Ấn Độ lên kế hoạch hiện đại hóa đội tàu ngầm già cỗi ra sao? ảnh 2
Tàu ngầm lớp Akula-2 của Nga. Ảnh: Sputnik.

Chakra là tàu ngầm lớp Akula-2 của Nga được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ ngày 4/4/2012 tại căn cứ Visakhapatnam. INS Chakra sẽ được thay thế bằng một tàu ngầm khác hiện đại hơn và cũng sẽ mang tên Chakra. Theo đó, một hợp đồng cho thuê tàu ngầm trị giá 3 tỷ USD đã được ký kết vào tháng 3/2019. Hợp đồng có hiệu lực trong 10 năm và tàu ngầm cho thuê dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2025.

Hải quân Ấn Độ hiện có hai tàu ngầm hạt nhân đóng trong nước là INS Arihant và INS Arighat. Ấn Độ cũng đang đóng thêm 2 tàu ngầm lớp Arihant tại Visakhapatnam với sự hỗ trợ của Nga. Động cơ tàu ngầm hạt nhân bắt đầu được Hải quân Ấn Độ sử dụng từ năm 1998 với việc đưa vào biên chế tàu ngầm hạt nhân tên lửa dẫn đường lớp Charlie INS Chakra.

Chương trình đóng tàu ngầm lớp Scorpene

Xưởng đóng tàu Mazagon Dockyards của Ấn Độ vẫn đang tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Hải quân Pháp sản xuất 6 tàu ngầm lớp Scorpene theo Dự án 75 Ấn Độ.

Từ tháng 12/2017 đến 3/2021, 3 tàu ngầm thuộc chương trình Scorpene là INS Kalvari, INS Khanderi và INS Karanj đã được đưa vào biên chế. Chiếc Scorpene thứ tư (Vela), đang chạy thử nghiệm, trong khi việc đóng chiếc cuối cùng (Vagsheer) trong chương trình này cũng đã bắt đầu.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chương trình Scorpene chậm tiến độ so với dự kiến là do trong quá trình chạy thử đã phát hiện ra một số lỗi cần khắc phục và sự chậm trễ trong cung ứng các hạng mục cần thiết cho đối tác đóng tàu. Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao.

Với việc sớm đưa ra đề xuất mời thầu Dự án P75I, Ấn Độ đang tiến hành việc hiện đại hóa đội tàu ngầm và từng bước thực hiện tham vọng tự đóng tàu ngầm trong nước với tỷ lệ nội địa hóa tăng dần, hướng tới hoàn toàn tự chủ công nghệ chế tạo tàu ngầm trong tương lai.


Link gốc:

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/an-do-da-len-ke-hoach-hien-dai-hoa-doi-tau-ngam-gia-coi-ra-sao-678019

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.