Vụ hoa hậu trả vương miện: Những người trong cuộc nói gì?

Bà Đoàn Thị Kim Hồng (trái) tại Hà Nội chiều 22/5. Ảnh: T.Toan
Bà Đoàn Thị Kim Hồng (trái) tại Hà Nội chiều 22/5. Ảnh: T.Toan
TP - Sự việc Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện tiếp tục gây xôn xao dư luận, với các phát ngôn trái chiều giữa hai bên. Chiều 22/5, bà Đoàn Thị Kim Hồng có cuộc gặp gỡ một số báo, trong khi Triệu Thị Hà bay ra Hà Nội làm việc với Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Bà Kim Hồng: Gửi công văn đề nghị Bộ thu hồi danh hiệu

Trong cuộc gặp gỡ một số báo tại Hà Nội chiều 22/5, bà Đoàn Thị Kim Hồng, nguyên Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN phản ứng, cho rằng thông tin Triệu Thị Hà trả lời báo chí là “dựng chuyện, vu khống”. 

Việc Hà vi phạm hợp đồng với BTC, bà Hồng nêu ví dụ về việc không tham gia trình diễn tại một chương trình, và không chụp ảnh trang bìa cho tờ báo bảo trợ thông tin. Bà nêu bản tường trình Triệu Thị Hà xin lỗi về sự vắng mặt, thay đổi nơi ở mà không thông báo cho BTC, khiến BTC phải nhờ công an vào cuộc.

“Nay bằng văn bản này, kính mong Ban lãnh đạo cho tôi thành thật xin lỗi, thời gian qua, tôi tự nhận thấy chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm như đã cam kết. 

Được biết, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN lần 3 tổ chức vào tháng 6/2013 tại Hội An, Quảng Nam. Là một đương kim Hoa hậu tôi xin cam kết chấp hành kế hoạch của BTC đề ra”, Hà viết trong đơn tường trình ngày 15/3.

Lí giải việc Hà viết đơn xin trả vương miện ngày 26/4/2013, nhưng tới thời điểm này chưa được xử lí, bà Kim Hồng nói, do lá đơn đúng thời điểm diễn ra cuộc thi, muốn giữ hình ảnh của cuộc thi, không muốn ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh tham dự cuộc thi. Sau đó, BTC tiếp tục phải giải quyết lùm xùm của người đoạt vương miện 2013, đến tháng 12 mới gửi công văn xin ý kiến Ban chỉ đạo, các bên liên quan.

Sự việc chưa được xử lí, đến ngày 14/4, bà Hồng thay mặt đơn vị tổ chức gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, nêu ý kiến về việc sau khi đăng quang Hoa hậu, cô Triệu Thị Hà sau khi có cam kết trả danh hiệu “đã không giữ lời hứa, vẫn xưng danh hiệu hoa hậu của mình trong các hoạt động trên một số báo mạng. Việc làm của cô Hà thể hiện sự thiếu trung thực, gian dối, không ý thức trách nhiệm cộng đồng xã hội trong các hoạt động từ thiện, không xứng đáng với danh hiệu”.

Bà Hồng đề nghị “Bộ trưởng đồng ý cho phép Cty Ciat được thu hồi lại danh hiệu Hoa hậu của cô Triệu Thị Hà nhằm đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc cho thương hiệu của cuộc thi, nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm, đạo đức của một thí sinh đã đạt danh hiệu”.

Triệu Thị Hà: Không thực sự muốn trả vương miện

Gặp Triệu Thị Hà ngay sau cuộc làm việc với Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương, cô kể: “Cục trưởng đưa đơn xin trả lại vương miện, xác nhận xem có đúng chữ viết của tôi không, có đúng viết tháng 4/2013 hay không. Tại sao đến bây giờ Cục mới nhận được. Tôi xác nhận. Do lúc đó, BTC chỉ yêu cầu tôi viết đơn để nộp cho BTC thôi”. 

Cục NTBD, Bộ VHTT&DL chưa phát ngôn về vụ việc, Hà nói thêm, đại diện Cục NTBD hỏi thăm tình hình, xem cô có tự nguyện viết đơn không, rồi Cục xem xét quyết định và liên lạc sau.

Vụ hoa hậu trả vương miện: Những người trong cuộc nói gì? ảnh 1

Triệu Thị Hà . Ảnh: Phạm Hà

 Trong đơn xin rút vương miện, Hà có cam kết giữ kín chuyện, không công khai với báo chí. Một năm sau khi lá đơn nộp cho BTC, người đứng ra tổ chức cuộc thi cho rằng cô không giữ lời, còn người đẹp này lí giải cô không phải người tung tin, mà chỉ đứng ra nói rõ với báo chí sau khi biết tin trên báo.

Triệu Thị Hà nói: “Lúc viết đơn tôi đang trong trạng thái không muốn viết, nhưng vì sức khỏe quá đuối: Do hơn một tuần liền cùng BTC đi vận động, không theo được nên tôi xin chị Kim Hồng cho nghỉ vài ngày để ổn định sức khỏe và đồng hành cuộc thi. Chị ấy nói, cuộc thi bắt đầu rồi, nếu theo phải theo tới cùng- hết tháng 6/2013-còn nếu cảm thấy không đủ sức khỏe thì làm đơn xin rút để người khác lên thay thế làm công tác xã hội”.

Tuy nhiên, bà Hồng có đưa ra bằng chứng cô không hoàn thành trách nhiệm đã cam kết, và lôi cả chuyện tình cảm cá nhân giữa Hà và cháu trai mình, xem như một trong số nguyên nhân dẫn đến sự việc này.

“Chuyện tình cảm cá nhân ai cũng có, nhưng chuyện đó không ảnh hưởng gì đến danh hiệu. Tôi không có hình ảnh nhạy cảm nào ảnh hưởng đến danh hiệu cuộc thi, tình cảm riêng với chị Hồng vẫn tốt, chỉ là tôi bất mãn chuyện công việc”, Hà nói. Cô nói thêm, trong thời gian giữ trách nhiệm đương kim hoa hậu, cô bị làm khó, không được phép ký hợp đồng quảng cáo với một công ty.

Về vi phạm hợp đồng với đơn vị tổ chức mà bà Kim Hồng nói với báo chí, Hà thừa nhận, có hai lần cô không tham gia do kế hoạch báo quá gấp. 

Cô hoa hậu này cho rằng BTC không xây dựng hình ảnh cho hoa hậu sau đăng quang và thưa thớt hoạt động xã hội. “Tôi cũng nghe chị Hồng nói sẽ xây dựng hình ảnh, tập luyện để đưa đi thi quốc tế, nhưng chỉ nói thế không có kế hoạch cụ thể”, cô chia sẻ.

Về thông tin cô nói bị BTC ép “tiếp khách”, cô khẳng định với phóng viên đó là do một số báo viết, thực chất là “đi gặp các nhà tài trợ, mạnh thường quân. Chuyện gặp gỡ kéo dài đến 12h, 1h đêm xảy ra đúng một lần trong đợt diễn ra cuộc thi HH Các dân tộc VN 2013”. “Tôi chỉ thắc mắc một điều là trong khi đi vận động tài trợ, tôi không được biết rõ mục đích cuộc gặp gỡ đó, người ta đem lợi ích gì cho cuộc thi, tài trợ số tiền bao nhiêu”, Hà nói thêm.

Vướng mắc xử lí việc thu hồi hay trả lại vương miện

Bộ VHTT&DL, đơn vị cấp phép cuộc thi này, Cục NTBD chưa lên tiếng, một phần vì vướng mắc về hành lang pháp lí. Năm 2011, cuộc thi vẫn chịu sự điều chỉnh của Quyết định 87 của Bộ quy định quyền và trách nhiệm của đơn vị tổ chức, trong đó nêu: Khi được cơ quan cấp phép chấp thuận, đơn vị tổ chức tước danh hiệu của thí sinh đạt giải. Tuy nhiên, Nghị định 79/2012 lại không có quy định, hướng dẫn cụ thể nào vệ trình tự, thủ tục tước danh hiệu thí sinh đoạt giải. Đại diện BTC khẳng định, BTC xử lí theo đề án đã được duyệt năm 2011.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.