Thành phố sau 10 tuần bị phong toả đã mang trên mình những tổn thương sâu sắc, nơi sự hồi sinh sẽ được cả thế giới theo dõi để rút ra bài học về cách con người vượt qua nỗi đau và tai họa ở quy mô khủng khiếp như thế.
Ở Vũ Hán, virus corona đã giết chết hàng ngàn người, hằn sâu vết thương có thể gây đau đớn hàng thập kỷ đối với những người còn sống. Các doanh nghiệp, dù khá nhiều đã mở cửa trở lại, đang đứng trước một con đường gập ghềnh. Chính quyền địa phương tiếp tục giám sát việc đi lại của người dân chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.
Từ cuối tháng 1, Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, trung tâm công nghiệp với 11 triệu dân, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Thời điểm đó, nhiều người ngoài cho rằng đó là biện pháp cực đoan, chỉ có thể xảy ra ở đất nước như Trung Quốc. Nhưng khi đại dịch trở nên tồi tệ, các chính phủ khắp thế giới cũng phải áp dụng hàng loạt biện pháp tương tự.
Hầu hết châu Âu, Ấn Độ, các bang của Mỹ và nhiều nơi khác đang yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa và người dân ở nhà, gây gián đoạn nền kinh tế và đẩy hàng triệu người vào cảnh không thể làm việc. Những tổn thất mà chính sách hạn chế đó gây ra đối với dân chúng là mất việc làm, mất thu nhập và cuộc sống bị đảo lộn, những điều diễn ra đầu tiên ở Vũ Hán.
Người dân Vũ Hán giờ có thể ra ngoài sau khi khai báo với cơ quan chức năng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động về hồ sơ y tế, lịch sử đi lại và địa chỉ nhà.
Thay đổi ưu tiên
“Người Vũ Hán trải qua đầu tiên. Bạn bè chúng tôi bị bệnh. Bạn bè và người thân của chúng tôi chết. Ngay trước mắt chúng tôi, người này đến người khác lần lượt ra đi”, Yan Hui, một người dân Vũ Hán, nói. Bà Yan, độ tuổi 50, cũng mắc bệnh nhưng đã thoát chết. “Chúng tôi hiểu về thảm họa này sâu sắc hơn người ở những thành phố khác”, bà nói với NY Times.
Lúc dịch đang giai đoạn bùng nổ, anh Liu Dongzhou đã nghĩ đến chuyện từ bỏ công ty sản xuất cá viên, gà xé và nhiều thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn khác. Giờ anh hy vọng có thể mở cửa trở lại vào tuần tới, nhưng dự định sẽ sa thải 1/5 trong tổng số 80 nhân viên. Anh Liu, 45 tuổi, đã nghe nhiều về chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng anh không nghĩ rằng hỗ trợ đó sẽ đến tay trong ngắn hạn.
Dù chính quyền đã cho phép người dân ra khỏi Vũ Hán, Liu nói rằng khu dân cư của anh gần đây còn hạn chế đi lại của người dân hơn trước, nên họ không cảm thấy việc dỡ phong toả hôm 8/4 là một dấu mốc.
Chị Yan là quản lý bán hàng ở Vũ Hán cho một chi nhánh của hãng General Electric. Các sếp của chị cảnh giác với việc cho phép quá nhiều nhân viên quay lại làm việc vì vẫn sợ dịch bệnh. “Họ sẽ nghiến răng và tiếp tục. Dù sao họ cũng là một công ty lớn”, Yan nói.
Yan cho biết trong tháng 2, chị phải nằm 15 ngày ở Hỏa Thần Sơn, một trong những bệnh viện được xây cấp tốc ở Vũ Hán để tiếp nhận số bệnh nhân tăng quá nhanh. Đến nay vẫn xin nghỉ ốm, Yan làm cho công ty một số việc nhưng chủ yếu nghỉ ngơi ở nhà. Chị chưa gặp bố mẹ trong 2 tháng qua dù họ sống ở ngay tòa nhà bên cạnh.
Một trải nghiệm như vừa qua đã thay đổi nhiều thứ. Yan nói rằng các ưu tiên của chị đã thay đổi: Sức khỏe và gia đình là quan trọng nhất. Công việc, sự nghiệp và thành công đều là thứ yếu. Trước đây chị vẫn tự nhủ phải thay đổi cách sống. “Nhưng giờ tôi thực sự đã làm thế”, Yan nói.
Dù chính quyền đã cho phép người dân ra khỏi Vũ Hán, Liu nói rằng khu dân cư của anh gần đây còn hạn chế đi lại của người dân hơn trước, nên họ không cảm thấy việc dỡ phong tỏa hôm 8/4 là một dấu mốc.