Theo ông Kiếm, khi kiểm tra những mặt hàng hợp pháp thì QLTT sẽ so chiếu với hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ mặt hàng đó; còn hàng hóa cần quy định phải kiểm nghiệm về chất lượng thì phải kiểm tra chất lượng.
"Trong quá trình làm việc phải qua nhiều khâu đối chiếu, xác minh rõ ràng từng mặt hàng, sản phẩm với giấy tờ tương ứng. Cũng có thể, trong lúc kiểm tra doanh nghiệp chưa cung cấp kịp thời tài liệu liên quan nên chưa có hóa đơn chứng từ. Nhưng không vì vậy mà mình kết luận doanh nghiệp không có hóa đơn, hàng hóa không có nguồn gốc. Khi phát ngôn cũng cần hết sức chính xác, trung thực, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp"- ông Kiếm nói.
Người đứng đầu QLTT TPHCM cho rằng, khi nào có số liệu cụ thể thì chúng tôi mới cung cấp, công bố thông tin chính thức, không gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Chính phủ cũng quy định khi có kết luận chính thức thì mới được công bố, chứ không thể nói mà chưa có kết luận cuối cùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Theo thông tư 09/2013 của Bộ Công thương quy định về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của QLTT, cơ quan QLTT có 2 hình thức kiểm tra: thường xuyên theo kế hoạch; đột xuất khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền thông qua hoạt động của Tổ kiểm tra (có ít nhất 2 công chức QLTT, do một công chức làm tổ trưởng).
Về kiểm tra đột xuất, cơ quan QLTT sẽ xử lý các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ra quyết định kiểm tra ngay hoặc tổ chức thẩm tra, xác minh thông tin. Các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính được bảo mật theo quy định, và không được tiết lộ cho những người không có thẩm quyền liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Trừ trường hợp vi phạm pháp luật quả tang, mọi trường hợp kiểm tra đều phải có quyết định bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan QLTT có thẩm quyền. Quyết định kiểm tra theo kế hoạch phải được thực hiện trong thời hạn chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra. Quyết định kiểm tra đột xuất phải tổ chức thực hiện ngay sau khi ban hành.
Ngày 20/8, khảo sát nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Concung.com thuộc công ty CP Con Cưng (Con Cưng) trên địa bàn TPHCM, lượng khách vào mua hàng khá vắng vẻ. Nhân viên cửa hàng Con Cưng ở Q.6 nói, từ lúc cửa hàng “dính” tráo nhãn mác, lượng khách hàng đến mua sắm giảm rõ rệt. Tuy nhiên, người này từ chối lượng khác giảm bao nhiêu %.
Trước đó, Con Cưng bị khách hàng nghi ngờ bán hàng tráo nhãn mác. Sau đó, Cục QLTT và các chi cục đã thực hiện tổng cộng 192 vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Con Cưng. Tuy nhiên, khi công bố kết quả kiểm tra đối với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Con Cưng, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương kết luận về cơ bản Con Cưng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật.
Ngày 19/8, Bộ Công Thương đã có quyết định lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Con Cưng của Cục QLTT và đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định 334 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kiểm tra hoạt động của Con Cưng.
Ngày 20/8, phóng viên báo Tiền Phong đã gọi rất nhiều lần đến số máy của bà Nguyễn Hồng Liễu, Trưởng bộ phận Pháp lý Hành chính của Con Cưng , người này bắt máy nhưng khi nghe giới thiệu là phóng viên liền vội vàng xin lỗi vì đang bận họp rồi cúp máy. Sau đó phóng viên không gọi lại được.