Châu Bùi bị quay lén là từ khóa đang thịnh hành trên thanh tìm kiếm của Facebook.
Bài viết kể lại khoảnh khắc kinh hoàng đối mặt camera quay lén ngụy trang đồng hồ đeo tay, sau đó sợ hãi hình ảnh nhạy cảm bị phát tán trên trang cá nhân của Châu Bùi nhận lượng tương tác lớn.
100.000 lượt thích, hơn 50.000 cảm xúc buồn, 15.000 lượt chia sẻ, 20.000 thảo luận là những con số cho thấy dư luận quan tâm mạnh vụ việc.
Dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, quyết "ủng hộ Châu Bùi tố giác kẻ quay lén lên cơ quan điều tra.
Bởi, dư luận không dám tin hành vi vi phạm pháp luật như quay lén, phát tán hình ảnh lên mạng xã hội, mua bán video nhạy cảm (vốn là vấn nạn nhức nhối ở Hàn Quốc) lại xảy ra ở Việt Nam.
Sống trong sợ hãi
10 năm làm người mẫu, KOL, Châu Bùi luôn cảnh giác với vấn nạn quay lén trong phòng thay đồ. Cô thậm chí luôn đề phòng, kiểm tra máy quay ở phòng thay đồ, có thiết bị công nghệ riêng để dò camera ẩn.
Nhưng lần này, Châu Bùi vẫn trở thành nạn nhân.
"Camera quay lén đang bán tràn lan trên thị trường, mẫu mã và cách hoạt động tinh vi. Tôi đã sử dụng thiết bị dò camera giấu kín để kiểm tra, nhưng trong trường hợp này không phát hiện được", Châu Bùi bức xúc.
Trực tiếp đối mặt hành vi xâm phạm đời tư, Châu Bùi nói cô bất an, sợ hãi khi nghĩ đến việc bỗng một ngày hình ảnh nhạy cảm của mình bị kẻ xấu truyền tay, thậm chí xuất hiện trên mạng xã hội.
Châu Bùi công khai ảnh trích xuất từ camera giấu kín trong phòng thay đồ, lên án kẻ gây rối. |
"Tôi bàng hoàng nói không nên lời khi thấy cơ thể mình ghi lại rõ nét. Chỉ cần nhìn mình cởi áo trên mạng, tôi thà chết còn hơn", lời kêu cứu thể hiện sự bất an của Châu Bùi được nhiều người đồng cảm.
Do vấn đề được dư luận quan tâm, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Nghi can N.T.H (24 tuổi) thừa nhận hành vi đặt camera giấu kín ngụy trang đồng hồ đeo tay trong phòng thay đồ. Cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh, thu thập chứng cứ làm rõ động cơ của nghi can để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Nghe cứ tưởng đang ở Hàn Quốc", "Từ bây giờ sao dám thử đồ ở chỗ lạ", "Không còn nơi nào là nơi riêng tư tuyệt đối nữa, giờ phải sống trong sợ hãi như dân Hàn"... khán giả bình luận về vụ việc của Châu Bùi.
Tình trạng kẻ bám đuôi, có sở thích quái đản đeo bám, đặt máy quay nơi công cộng tồn tại nhiều năm ở Hàn Quốc.
Kể từ năm 2019, chính quyền thành phố Seoul có kế hoạch mở rộng, truy quét camera giấu kín trong khách sạn, nhà nghỉ. Đây là địa điểm khiến nhiều người bất an nhất và trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, tình trạng này khó giải quyết triệt để, dân Hàn luôn bất an.
Trong cuộc khảo sát của Trung tâm tư vấn về quyền phụ nữ Namu, có đến 69% người tham gia cho biết họ luôn cảm giác bị camera quay lén 24/24, nhất là ở nơi được cho là riêng tư như nhà vệ sinh, phòng thay đồ ở quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng quần áo, nhà nghỉ, khách sạn.
Kết quả cuộc khảo sát dựa trên ý kiến của 1.500 người ở độ tuổi trưởng thành, đang làm việc ở Seoul, không chú trọng vào chênh lệch mẫu nam/nữ. Trong số đó, có đến 80% phụ nữ và 57% là nam giới bày tỏ bất an.
Về địa điểm được người dân cho là có khả năng đặt camera nhất, 43% chọn nhà nghỉ, khách sạn, 36% chọn nhà vệ sinh công cộng, 9% chọn nhà tắm và bể bơi công cộng.
Có đến 61% người tham gia khảo sát cho biết điều đầu tiên họ vào nhà vệ sinh công cộng, khách sạn... là kiểm tra lỗ, nơi có nhiều khả năng đặt camera. 44% cho rằng "tránh càng xa càng tốt", cố không sử dụng nhà vệ sinh.
Lỗ hổng khó kiểm soát
Dù chính quyền ra quy định xử lý nghiêm kẻ gây rối, tình trạng quay lén cứ tiếp diễn. Korea Timesđưa tin nghệ sĩ Hàn Quốc đối mặt vấn nạn vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra vụ camera giấu kín trong phòng thay đồ của diễn viên tham gia nhạc kịch Next to Normal tại Trung tâm nghệ thuật Gwanglim, Gangnam, Seoul hồi tháng 4.
Thủ phạm đặt camera giấu kín trên sofa phòng thay đồ của diễn viên Kim Hwan Hee là quản lý của một ca sĩ tham gia vở nhạc kịch. Người này sau đó bị buộc tội vi phạm Đạo luật đặc biệt về trừng phạt tội phạm bạo lực tình dục.
Dù đối tượng đã bị xử lý, Korea Times nhận định vụ việc dấy lên lo ngại về việc thiếu biện pháp phòng ngừa tội phạm vì đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng nghệ sĩ bị quay lén.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn quay lén vì thủ đoạn tinh vi, ngụy trang kín. |
Năm 2018, Hàn Quốc từng xôn xao với vụ án thành viên đài phát thanh hai lần lắp camera giấu kín ngụy trang sạc dự phòng để xâm phạm đời tư Shin Se Kyung và nhiều minh tinh khác.
Tòa án thừa nhận hành vi lạm dụng chức vụ của nhân viên đài phát thanh nhưng chỉ kết án tù treo với lý do "đoạn phim chưa được phát tán rộng rãi". Lúc đó, công chúng Hàn Quốc phẫn nộ và cho rằng bản án không hợp lý, không đủ răn đe.
Hiện, Korea Times, báo kêu gọi cơ quan chức năng, người đứng đầu công ty ban hành quy định và giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ nghệ sĩ và nhân viên. Tuy nhiên, theo một CEO công ty giải trí, rất khó để kiểm soát 100% vấn đề.
"Ngay cả khi quản lý đối tượng ra, vào chặt chẽ, nhân viên an ninh khó lòng liên tục chất vấn nhân viên", người này nói.
Người đứng đầu công ty giải trí khác lại nói với Korea Times rằng họ luôn kiểm tra hồ sơ tội phạm của nhân viên khi tuyển dụng, bắt đầu dự án mới. Tuy nhiên, nếu hồ sơ không vấn đề, rất khó để tiến hành các bước tiếp theo.
"Một khi việc quay phim hoặc biểu diễn bắt đầu và sự hỗn loạn xảy ra, gần như là không thể ngăn chặn tội phạm khai thác môi trường sôi động", người này nói.
Giới nghệ sĩ lo lắng nhiều hơn về tình trạng bị quay lén. Nhóm nhạc Laysha từng lên tiếng trên mạng xã hội sau khi đoạn video riêng tư của các thành viên rò rỉ trên mạng.
Goeun, thành viên của Laysha, bức xúc lên tiếng: "Kể cả ban tổ chức cũng bí mật ghi hình chúng tôi thì nói gì người khác".
Ông Kim Sang Gyun, giáo sư nghiên cứu về ngành cảnh sát tại Đại học Baekseok, nhận định trường hợp của nhóm Laysha nêu bật lỗ hổng trong việc đưa biện pháp bảo vệ nghệ sĩ.
"Ai cũng có cảm giác hồi hộp khi có được những thước phim hiếm của người nổi tiếng. Điều đó lâu dần hình thành sự cám dỗ và biến họ thành kẻ lạm dụng, vi phạm pháp luật bất cứ lúc nào", Kim Sang Gyun nói.