Vụ buôn lậu xăng ở Vinapco: Người vừa bị mất chức nói gì

Vụ buôn lậu xăng ở Vinapco: Người vừa bị mất chức nói gì
TP - Trong vụ án buôn lậu 422.000 lít xăng A92 mà Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa khởi tố vụ án, Quyền Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Xăng dầu Hàng không miền Bắc (thuộc Vinapco) Nguyễn Hải Triều vừa là người môi giới đối với phía Trung Quốc, vừa được giao nhiệm vụ giám sát hàng lên biên giới. Ông Triều nói gì về việc này?

> Ai chủ mưu buôn lậu xăng ở Vinapco?
> Vinapco bị cáo buộc buôn lậu xăng dầu siêu lợi nhuận

Cán bộ giám sát giữa đường bỏ về

Khi PV Tiền Phong có mặt tại trụ sở xí nghiệp (tại Đông Anh-Hà Nội), ông Triều đang sửa soạn đồ đạc để chuyển về văn phòng công ty (tại đường Nguyễn Sơn-Long Biên-Hà Nội): “Tôi bị cách hết chức vụ về chính quyền và Đảng nên dọn đồ để ngày mai về làm cán bộ văn phòng Vinapco”.

Hải quan vừa khởi tố vụ án buôn lậu 7 xe bồn chở xăng, ông có biết thông tin này?

Tôi mới nắm thông tin qua báo chí, chứ chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan gửi cho Vinapco hay cá nhân tôi cả. Còn liên quan 7 xe bồn chở xăng chở từ cảng Đình Vũ (Hải Phòng) lên cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), bản thân tôi là giám đốc nên không trực tiếp đi giám sát được.

Thay vào đó, tôi cử một cán bộ tên Biền công tác tại Kho khu vực 3 (Hải Phòng) đi.

Tuy nhiên, anh Biền sau này báo cáo lại là, đang đi giám sát thì nhận được điện thoại của người nhà báo con ốm phải về gấp. Khi xe tới Hiệp Hoà (Bắc Giang), anh Biền đã bỏ về nhà nên không biết những chiếc xe này sau đó đi đâu. Khi hàng không xuất được, đối tác thông báo nhập lại về nhập kho, tôi thấy không có gì nên không truy cứu trách nhiệm anh ta.

Theo phía hải quan, Vinapco còn đặt ra cả phương án giả vờ tái xuất, nhưng lại bán nội địa để trốn thuế. Là người trong cuộc chắc anh biết rõ hơn ai hết?

Tôi nghĩ cơ quan điều tra sẽ có kết luận cuối cùng. Quá trình tạm nhập, tái xuất xăng dầu là nghiệp vụ kinh doanh bình thường của một doanh nghiệp.

Trong quá trình làm đó, có những vấn đề có thể sai do mình chưa nhận thức hết các quy định vì thực ra đây là lần đầu chúng tôi xuất kiểu này (nghiệp vụ tạm nhập-tái xuất đường bộ-PV).

Có nhiều quy định của hải quan, chúng tôi còn chưa nắm chắc. Ngay cả tạm nhập tái xuất trên đường biển, chúng tôi cũng mới làm lần đầu với 4 tàu.

Trước đây chủ yếu nhập về và tiêu thụ nội địa luôn. Còn việc bán hàng trên đường đi, tôi không biết được. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước thì làm sao đi buôn lậu được. Buôn lậu chỉ đem lợi ích cho cá nhân thôi chứ.

Lãnh đạo không biết quy trình giám sát

Nghĩa là ông cũng không giám sát được quá trình vận chuyển?

Thực ra quy trình giám sát thế nào tôi cũng không biết, chưa nắm rõ. Như tôi nói ban đầu đấy, tạm nhập-tái xuất lần đầu nên làm chưa thạo do đó chưa coi trọng việc giám sát. Thế đâm ra có thể đối tác lợi dụng việc này để làm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Xí nghiệp không có bất cứ chỉ đạo bán hàng. Chúng tôi hiểu là khi hàng xuất kho, hết trách nhiệm. Vừa rồi làm việc với hải quan, các anh ấy nói phải có quá trình giám sát, lúc đó tôi mới biết.

Vậy, theo ông ai là người chủ mưu buôn lậu như hải quan khởi tố?

Tôi không có bất cứ suy đoán gì cả vì suy nghĩ chỉ của cá nhân thôi. Mọi việc cần chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra. Chỗ này có nhiều việc mà thực ra cũng có lỗi của chúng tôi. Chúng tôi cứ hiểu xuất kho, hoá đơn...là hết việc nên không giám sát. Xe chở xăng, giấy tờ, hồ sơ, biên bản niêm phong kẹp chì..., chúng tôi có cầm thứ gì đâu, đều giao cho phía đối tác.

Khách hàng (người mua) là ai đi lúc ấy, thưa ông?

Tôi nắm việc này cũng không chi tiết (ngập ngừng-pv). Tôi điều hành nhưng cũng không trực tiếp phân công nhiệm vụ việc này. Tôi chỉ chịu trách nhiệm điều hành thôi.

Nhưng ông phải kiểm tra, giám sát xem cán bộ, hàng hoá của mình vận chuyển thế nào chứ?

Xe lấy hàng, bàn giao đầy đủ thủ tục rồi thì tôi chỉ có mặt một tí thôi, chứ không ở lại cho tới khi cấp xong. Bởi vì, tôi thấy các bộ phận liên quan đều đã có mặt ở đấy rồi. Hôm đó, tầm 1-2 giờ sáng mới cấp xong xăng vào xe bồn chứa.

Mù mờ đối tác

Ông giải thích thế nào khi đầu mối khách hàng Trung Quốc này do ông giới thiệu?

Đơn vị thương mại như chúng tôi đều động viên cán bộ công nhân viên tìm kiếm đối tác. Việc này tốt quá, đâu cần biết là ai và tìm được đối tác cũng không được hưởng phần trăm. Tôi chỉ giới thiệu đối tác thôi, còn đàm phán, giới thiệu hợp đồng sau đó do bộ phận chuyên môn ở Vinapco đảm nhận. Sau này, tôi chỉ thực hiện khâu cấp hàng.

Phía hải quan đã xác minh đơn vị mua hàng phía Trung Quốc là công ty ma, vậy ông sang Trung Quốc và tới công ty này chưa?

Tôi chỉ làm việc với người đại diện của công ty đó ở Việt Nam tên là Thăng, không biết đầy đủ họ. Phía Trung Quốc có nhiều người đại diện, tôi chỉ gặp anh này độ 1-2 lần thôi. Đối tác Bắc Hải được Cty Thành Nghiệp (Trung Quốc) giới thiệu. Tôi mới chỉ biết trụ sở Cty Thành Nghiệp tại Đông Hưng (Trung Quốc) thôi.

Nếu bị khởi tố vì hành vi buôn lậu, ông có thấy oan không?

Nếu hải quan mà tìm thấy đủ căn cứ thì tôi chịu trách nhiệm. Hiện chưa có kết luận nào cáo buộc cá nhân tôi làm gì sai cả. Tôi đã làm việc với hải quan 2 tuần rồi. Họ tới tận xí nghiệp, và tôi cũng tới trụ sở họ làm việc. Nếu tôi chưa nắm rõ mà sai, tôi vẫn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi chỉ đạo buôn lậu thì các anh hải quan phải điều tra làm rõ.

Cám ơn ông.

Đình Thắng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.