Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Vì sao không xử lý hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong vụ buôn lậu 204 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa kết luận, có 74 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”, nhưng không có bị can nào bị xử lý hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội mà có, dù đã có 196 triệu lít xăng lậu được bán ra thị trường.

196 triệu lít xăng lậu đã ra thị trường

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, các bị can sau khi buôn lậu 204 triệu lít xăng từ Singapore, trong đó, đã tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hơn 196 triệu lít.

Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Vì sao không xử lý hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội? ảnh 1

Cảnh sát khám xét một kho xăng trong vụ án.

Lượng xăng nhập lậu này, Cơ quan điều tra cho biết, qua trưng cầu giám định mẫu xăng đều có chứa thành phần MTBE (Methyl Tert - Butyl Ether) hàm lượng trung bình 12,6%, vượt ngưỡng quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Chất này có khả năng làm giảm tuổi thọ động cơ và gây ô nhiễm môi trường.

Cơ quan điều tra cho biết thêm, sau khi nhập xăng từ Singapore về Việt Nam, bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Cty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), móc nối với một người tên Vinh (quận Bình Tân, TPHCM) mua chất bột màu vàng (10 triệu đồng/thùng 20 kg) và dung môi hòa tan (3 triệu đồng/thùng 18 lít) để pha vào xăng lậu. Trong đó, một kg bột màu pha trong 5 lít dung dịch trộn vào 100 m3 xăng.

Phan Thanh Hữu trực tiếp hoặc giao cho lái xe đưa chất bột và dung môi đến Sóc Trăng và Vĩnh Long giao cho các thuyền trưởng tàu Nhật Minh với mục đích pha vào xăng nhập lậu để xăng chuyển màu cho phù hợp với màu xăng tại thị trường trong nước.

Không xử lý hình sự hành vi tiêu thụ 196 triệu lít xăng ra thị trường

Cơ quan điều tra xác định, nhiều bị can đã trực tiếp hay gián tiếp tiêu thụ xăng nhập lậu, điển hình như bị can Trần Huy Lập (Giám đốc Cty CP Nhiên liệu Phúc Lâm – Cty Phúc Lâm).

Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Vì sao không xử lý hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội? ảnh 2

2 chiếc tàu chở xăng lậu trong vụ án.

Từ ngày 22/7/2020 đến ngày 5/2/2021, Lập đã mua và tiêu thụ gần 6.6 triệu lít xăng đã được nhập lậu về Việt Nam, trị giá trên 90 tỷ đồng để bán lại hưởng chiết khấu.

Cùng giúp sức cho Lập trong việc tung ra thị trường lượng xăng lậu này là bị can Trần Anh Tuấn (phó Giám đốc Cty Phúc Lâm) và nhân viên Nguyễn Hồng Long. Tuy nhiên, cả Lập, Tuấn và Long đều không bị xử lý hành vi tiêu thụ xăng lậu.

Một luật sư tham gia tố tụng vụ án này phân tích, hành vi của một số các bị can trong vụ án có dấu hiệu phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự, “Buôn lậu” là hành vi buôn bán hàng hóa trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại; người phạm tội buôn lậu với vai trò “đồng phạm” là người mặc dù biết rõ người khác thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu nhưng vẫn cố ý cùng người đó thực hiện tội phạm.

Cũng theo luật sư, trong vụ án này, tội phạm buôn lậu xăng do đường dây của Phan Thanh Hữu thực hiện đã hoàn thành kể từ thời điểm các bị can thực hiện xong hành vi nhập xăng từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng không khai báo theo đúng quy định của pháp luật.

"Một số bị can biết rõ nguồn gốc xăng dầu là bất hợp pháp nhưng các bị can vẫn đồng ý mua để phân phối bán lại. Vì vậy, hành vi của các bị can này là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, là có cơ sở. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố tội danh buôn lậu" – Vị luật sư nói.

MỚI - NÓNG