Vụ bán đất công giá 'bèo': Văn phòng Thành ủy chấp thuận việc mua bán?

Khu đất công hơn 32 ha ở xã Phước Kiển (Nhà Bè) được Cty Tân Thuận bán cho Cty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 1 triệu đồng/m2.
Khu đất công hơn 32 ha ở xã Phước Kiển (Nhà Bè) được Cty Tân Thuận bán cho Cty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 1 triệu đồng/m2.
TP - Người đứng đầu Công ty Quốc Cường Gia Lai cho rằng, việc mua bán khu đất với Cty Tân Thuận là có sự chấp thuận của Thành ủy TPHCM. Ngược lại, Thành ủy cho rằng, không có việc mua bán theo kiểu chỉ định. Đâu là sự thật?

Từ phối hợp đến bán đứt

Chỉ sau vỏn vẹn 7 ngày, thương vụ mua bán 32 ha đất công giá rẻ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè giữa bên bán là Cty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Cty Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) và Cty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Cty Quốc Cường Gia Lai) diễn ra êm ấm. Tuy nhiên, việc bán giá hơn 1,2 triệu
đồng/m2 này có dấu hiệu làm thất thu hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, trước khi thực hiện giao dịch, ngày 26/4/2017, ông Trần Công Thiện - Tổng Giám đốc Cty Tân Thuận ký văn bản xin ý kiến Thành ủy về việc hợp tác xây dựng dự án Khu dân cư Phước Kiển cùng Cty Quốc Cường Gia Lai với tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.554 tỷ đồng.  

Nguyên nhân việc hợp tác trên là do Cty Tân Thuận đang tập trung vốn để đầu tư cho các dự án lớn khác như: Dự án Khu dân cư Bình Hòa, Khu dân cư ven sông Tân Phong, Khu dân cư Tân Quy Đông… Do đó, việc phối hợp Cty Quốc Cường Gia Lai nhằm tạo nguồn tài chính để thực hiện đầu tư dự án trên. “Cty Quốc Cường Gia Lai là doanh nghiệp có đủ năng lực để hợp tác, quan hệ tốt với cơ quan nhà nước và có thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc cùng nhau” – ông Thiện nhận định. Phía Cty Tân Thuận còn cho rằng, hai bên đã có hiểu biết nhất định với nhau, không mất thời gian tìm hiểu nhau. Hội đồng thành viên Cty Tân Thuận cũng chấp thuận về việc Cty Quốc Cường Gia Lai là đối tác xây dựng dự án này.

Để thực hiện việc hợp tác này, Cty Tân Thuận đề xuất Cty Quốc Cường Gia Lai góp 70%, còn Cty Tân Thuận góp 30%. Diện tích Cty Tân Thuận chuyển nhượng để thực hiện dự án là 323.287 m2, trị giá khu đất là 358 tỷ đồng, mỗi mét vuông trị giá gần 1.108.000 đồng.

Việc xin ý kiến này chưa rõ Văn phòng Thành ủy TPHCM có chấp thuận hay không, nhưng ngày 8/9/2017, Cty Tân Thuận bất ngờ ký phụ lục hợp đồng số 203/HĐKT/2017 bán luôn cho Cty Quốc Cường Gia Lai 100% dự án, giá nhích lên 1.290.000 đồng/m2 thay vì chỉ hợp tác như đề xuất.

Vụ bán đất công giá 'bèo': Văn phòng Thành ủy chấp thuận việc mua bán? ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Cty Quốc Cường Gia Lai nói rằng, việc mua bán có sự chấp thuận của Thành ủy TPHCM.

Cần làm rõ

Một luật sư (xin giấu tên) nhận định: “Trong vụ việc này, Cty Tân Thuận có trình văn bản cho Văn phòng Thành ủy TPHCM xem xét quyết định cho phối hợp xây dựng khu đất nói trên với Cty Quốc Cường Gia Lai. Về nguyên tắc, nếu được đồng ý thì Cty Tân Thuận mới thực hiện. Văn bản thể hiện là hai bên phối hợp, nhưng thực tế, Cty Tân Thuận lại bán đứt cho đối tác. Đây là tình tiết bất thường của vụ việc, cơ quan nhà nước cần làm rõ. Trường hợp ông Thiện tự ý bán đất cho đối tác là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng”.       

Cũng theo vị luật sư này, nếu Văn phòng Thành ủy nhận được văn bản của Cty Tân Thuận xin phối hợp xây dựng hay bán 100% dự án trên thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Văn phòng Thành ủy TPHCM biết rõ hơn ai hết. Vấn đề là lãnh đạo Thành ủy đã xem qua chưa, hay có cá nhân làm ngơ, “bật đèn xanh” cho Cty Tân Thuận tự ý mang đất công đi bán. Để làm rõ trách nhiệm có cá nhân tiếp tay cho việc gây thất thoát tài sản của Nhà nước, Văn phòng Thành ủy không thể gọi là vô can trong chuyện này.

Vụ việc xảy ra, Thường vụ Thành ủy yêu cầu Cty Tân Thuận đàm phán với đối tác hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định. Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó tổng giám đốc Cty Quốc Cường Gia Lai cho rằng, hợp đồng mua đất của Cty Tân Thuận là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán. TPHCM yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ trả lại trên cơ sở điều khoản hợp đồng ký kết.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Cty Quốc Cường Gia Lai, chưa thấy động tĩnh từ Cty Tân Thuận hủy hợp đồng mua bán. Còn việc trả lại đất hay không thì phải họp hội đồng cổ đông để ra quyết định cuối cùng. Bà Loan cho rằng, bà mua khu đất có xuất hóa đơn đầy đủ, thuế VAT đàng hoàng, là một tài sản hàng hóa chứ không phải tài sản công sản; công sản là không có chuyện xuất hóa đơn, cũng không có chuyện không thông qua đấu giá. Việc mua bán có chủ trương cho bán từ Thành ủy TPHCM. Nếu trường hợp hai bên không có tiếng nói chung, Cty Quốc Cường Gia Lai sẽ kiện bên bán ra tòa, dù là công ty nhà nước.

Quốc Cường Gia Lai sẵn sàng trả lại đất

Trao đổi với báo chí hôm qua, ông Nguyễn Quốc Cường - Phó tổng giám đốc Cty Quốc Cường Gia Lai nói việc mua lại hơn 32 ha đất từ Cty Tân Thuận là hợp đồng giao dịch dân sự hợp pháp giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu TPHCM yêu cầu thương thảo để xem xét lại việc huỷ hợp đồng, ông sẵn sàng trả lại trên cơ sở các điều khoản mà hợp đồng hai bên đã ký kết. Theo ông Cường, khu đất 32 ha mà công ty ông mua lại từ Cty Tân Thuận nằm cạnh mặt đường Nguyễn Hữu Thọ, chứ không nằm chung trong tổng thể dự án 92ha như báo chí nêu.

Trước những lùm xùm về việc mua đất công giá “bèo” này, trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu QCG (Cty Quốc Cường Gia Lai) giảm sàn 7%, xuống mức 10.850 đồng. Chỉ hai ngày sau khi TPHCM yêu cầu Cty Tân Thuận đàm phán huỷ hợp đồng mua bán đất trên, cổ phiếu QCG mất 14% giá trị. Việc giảm sàn thứ 2 liên tiếp khiến cổ phiếu của gia đình đại gia phố núi mất thêm 125 tỷ đồng tài sản trên sàn chứng khoán.                

Ngọc Lâm

Bán cả dự án Tân Phong

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Cty Tân Thuận cũng có giao dịch khi ký hợp đồng bán khu đất khác trên đường Nguyễn Văn Linh cho Cty Quốc Cường Gia Lai vào tháng 11/2017. Theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, khu đất này nằm ở phường Tân Phong, có giá hơn 290 tỷ đồng. Khu đất này vào năm 2009 được UBND TPHCM giao cho Cty Tân Thuận để thực hiện dự án khu nhà ở tại phường này. Tuy nhiên, không hiểu sao vào năm 2016, Cty Tân Thuận ký hợp tác kinh doanh với Cty Quốc Cường Gia Lai và sau đó bán cho công ty này.          

Ngọc Lâm

Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Cty Luật 360 - Đoàn Luật sư TPHCM nói rằng, dù Cty Tân Thuận thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy TPHCM, nhưng mọi hoạt động kinh doanh của công ty này đều phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp hiện hành và kinh doanh bất động sản là một trong những ngành nghề kinh doanh của công ty. Do đó, theo luật sư Đức, nếu nguồn gốc 32ha đất trên là do quá trình triển khai các hoạt động kinh doanh thông qua việc lập dự án, thỏa thuận đền bù với các hộ dân nên việc chuyển nhượng cho các đối tác khác có nhu cầu nhằm phát sinh lợi nhuận đem về cho cơ quan chủ quản thì đây chỉ là hoạt động kinh doanh bình thường của công ty trong khuôn khổ qui định pháp luật.

Theo luật sư Đức, Cty Tân Thuận trực thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy TPHCM, do đó mọi hoạt động kinh doanh đều do người đại diện theo pháp luật của công ty xác lập trên cơ sở thông qua phê duyệt, ý kiến của cơ quan chủ quản trước khi xúc tiến ký kết hợp đồng có giá trị lớn với các đối tác. “Do đó, tôi biết trước khi Cty Tân Thuận thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nói trên cho Quốc Cường Gia Lai đã xin ý kiến, phê duyệt chấp thuận của cơ quan chủ quản. Không thể nào người đại diện của Cty Tân Thuận tự ý xác lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nói trên cho Quốc Cường Gia Lai một cách tùy tiện được”- luật sư Đức nhìn nhận.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, việc giá đất chuyển nhượng được áp dụng hơn 1,2 triệu đồng/m2 là sau khi Cty Tân Thuận đã có văn bản xin ý kiến Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM. Ngoài ra, lãnh đạo Cty Tân Thuận cũng đã có văn bản xin ý kiến thường trực Thành ủy về việc chuyển nhượng này.             

Ngọc Lâm

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy vào cuộc vụ bán 32 ha đất công

Chiều tối qua 20/4, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại Phước Kiển của Cty Tân Thuận (thuộc Thành ủy) cho Cty Quốc Cường Gia Lai. Theo chỉ đạo này, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất. Ngoài ra, giao Ủy ban kiểm tra làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm, trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan và báo cáo Ban thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5. Trước đó, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng 32ha đất đã được đền bù tại khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 400 tỷ đồng. Việc làm này được cho là gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.   

Lê Nguyễn

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.