Sự việc bung bét, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, ba que hương mà chị ta thắp mỗi khi chồng đi biển không phải “tử tế” gì, mà đó là quy ước của đôi tình nhân. Cứ ba que hương thắp lên là điều kiện đã “an toàn”.
Thẩm phán Phan Vĩnh Chuyển kể chuyện xử án. |
Thẩm phán Phan Vĩnh Chuyển vào nghề và “đứng danh” Thẩm phán từ năm 1996, khi đang công tác tại TAND quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ và hiện đang công tác tại TAND quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng.
Ông có nhiều kỷ niệm vui buồn trong nghề mà câu chuyện xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”, như ông nói, nỗi đau từ câu chuyện này còn mang “tính thời sự” cho đến tận hôm nay…
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn và bà Trần Thị Thúy, trú tại quận Sơn Trà, có hai đứa con nhỏ sống hạnh phúc trong căn nhà cấp bốn. Ở cái xóm nghèo ấy, cuộc sống còn rất vất vả nhưng người ngoài nhìn vào không ít người ganh tỵ với vợ chồng này.
Đặc biệt sau những ngày đi biển dài ngày của người chồng thì ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười con trẻ, tiếng cha con đùa giỡn, tiếng người vợ làm nũng chồng...
Là người đàn ông trụ cột nên ông chồng chịu thương chịu khó bám biển mưu sinh, còn bà vợ ở nhà buôn bán quán tạp hóa nhỏ kiếm thêm thu nhập nuôi con. Thường mỗi một lần ông Tấn đi biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày mới về nhà một lần.
Thời gian này, người dân trong xóm thấy chị vợ ngày một trẻ đẹp ra, ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ hơn trước nhiều. Đặc biệt, chị rất chăm thắp hương những ngày chồng đi biển.
Nghĩ cho cùng thì việc thắp hương của chị chẳng có gì sai, quan niệm của người dân ta, mỗi bận có người đi biển thì thắp hương khấn cầu cho người thân đi may về mắn, tôm cá đầy ghe… Vậy nên cái việc chị vợ thắp hương mỗi lần chồng đi biển chẳng mấy ai để ý đến.
Tuy nhiên, vì cứ đúng sau 21 giờ, khi chồng vắng nhà, bà vợ lại thắp hương đã khiến một người hàng xóm thấy có điểm gì đặc biệt nên cũng để ý, rồi sau đó có nói lại với người chồng.
Cũng như mọi lần, người vợ bịn rịn tiễn chồng lên thuyền rồi cũng đợi cho thuyền của chồng khuất hẳn phía xa mới trở về lo đi chợ. Chị chẳng biết được sự thật chồng của mình đổi ý quay về nhà ngay sau đó.
Về nhà đi vào bằng cửa sau, trong lúc con đi học, vợ còn đi chợ, anh vào bếp lấy con dao rồi bí mật trèo vào chiếc tủ đặt ngay đầu giường của hai vợ chồng và trốn ở trong đó.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, chị vợ cũng với chừng ấy công việc của một ngày vắng chồng. Khi màn đêm buông xuống, lo cho con cái ăn uống, ngủ nghỉ, chị vợ tắm rửa sạch sẽ và… đi thắp hương. Lão hàng xóm đối diện lẻn vào rất nhanh.
Trong ánh điện mờ nhạt, hắt hiu phát ra từ chiếc đèn ngủ gian ngoài, cả hai lao vào nhau điên dại. Và… “ầm”, tiếng đạp cửa tủ của người chồng đã làm đôi “tình nhân” chẳng kịp trở tay. Rồi sau đó là tiếng la hét, đánh đuổi, tiếng chó sủa râm ran làm cả xóm chài bừng tỉnh.
Kết quả cuộc truy đuổi nói trên khiến ông hàng xóm bị thương tích 29% và một vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” đối với người chồng. Sự việc bung bét, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, ba que hương mà chị ta thắp mỗi khi chồng đi biển không phải “tử tế” gì, mà đó là quy ước của đôi tình nhân. Cứ ba que hương thắp lên là điều kiện đã “an toàn”.
Đứng trước Tòa, người vợ một mực cầu xin HĐXX tha tội cho chồng. Chị nói trong nước mắt, vì chị là người phụ nữ không chung thủy với chồng nên chồng mình mới phạm tội. Trong vụ án này, người đàn ông đã quan hệ với vợ người người khác là vi phạm đạo đức và người vợ cũng vậy. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt người chồng 3 năm tù cho hưởng án treo.
Kết quả của phiên tòa hôm ấy thể hiện tình người, tính nhân văn cao, bởi cho dù người chồng phạm tội “Cố ý gây thương tích” nhưng khi người chồng vào tù, người vợ có còn toàn tâm chăm lo cho các con khi không có chồng? Còn người chồng, chỉ vì một phút không kiềm chế bản thân mà gây thương tích cho tình địch. Vụ án cũng là bài học cho những ai đang cố tình chạy theo những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ.
* Tên bị cáo, bị hại, đã được thay đổi
Theo Báo Công lý