Rủi ro trong “đặc cách” niềm tin dành cho khách hàng VIP
Vì áp lực kinh doanh, các nhân viên ngân hàng có “ngàn lẻ một” câu chuyện chăm sóc khách hàng VIP. Trong đó, việc mang tiền tất toán đến tận nhà hay cho khách nợ chữ ký chứng từ chỉ là chuyện hết sức bình thường để chiều lòng khách hàng VIP của các ngân hàng. Tuy nhiên, với rủi ro và những bẫy ngầm liên quan đến pháp lý, một khi mối quan hệ giữa đôi bên trở nên “cơm không lành, canh không ngọt”, việc cho nợ chữ ký chứng từ lại là lý do dẫn đến những tranh chấp pháp lý “vô tiền khoáng hậu”.
Câu chuyện khách hàng VIP lại một lần nữa trở thành bài học lớn trong phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh. Tại phiên tòa, chỉ riêng nội dung 5.190 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích trở đi trở lại trong quá nửa thời gian các nội dung tranh tụng.
Theo diễn biến tại phiên tòa, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã phải đấu trí rất nhiều để vén bức màn sự thật trên cơ sở chứng cứ thu thập cũng như đối chất các lời khai của những “người trong cuộc”. Liên quan đến quá trình quay vòng của hơn 17.000 tỷ, hàng trăm giao dịch tiền vào, tiền ra, sẽ rõ ràng hơn rất nhiều nếu các bộ chứng từ 5.190 tỷ có đầy đủ chữ ký đối với nhóm khách hàng VIP Trần Ngọc Bích.
Còn nhớ, tại phiên tòa, Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) liên quan trực tiếp đến vụ việc chuyển tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích đã lấy ví dụ về vụ 5.190 tỷ “Chúng ta cứ nghĩ 5.190 tỷ là tiền trong túi phải của bà Bích, sau đó tôi chuyển sang túi bên trái của bà Bích, sau đó tiền bên phải thì bà Bích yêu cầu ngân hàng phải trả, tiền trong túi bên trái thì bà Bích nói đó là tiền của bà, không được thu hồi”.
“Tôi đề nghị không phải khôi phục thu hồi gì, chỉ cần bà Bích trả chứng từ này. Bà Bích không trả chứng từ là nhằm mục đích chiếm đoạt”. Bị cáo Quyết nói.
Trả giá đắt cho niềm tin vào khách VIP
Tất nhiên, khi ra tòa, khách hàng VIP với những lắt léo mánh khóe và dàn luật sư hùng hậu có thừa lý lẽ để chối bỏ việc nợ chữ ký chứng từ. Rất may, toàn bộ sổ giao nhận chứng từ ghi rõ các số ủy nhiệm chi do Vũ Anh Tuấn là nhân viên của Tân Hiệp Phát nhóm Trần Ngọc Bích ký nhận đã được phía ngân hàng cung cấp bổ sung cho Hội đồng xét xử để làm rõ bản chất sự thật. Và đã là sự thật thì không có lý lẽ nào có thể che mờ.
Phán quyết cuối cùng vẫn phải chờ Hội đồng xét xử sẽ công bố ngày 09/09;nhưng chắc chắn, những vấn đề mà phiên tòa đưa ra vẫn còn là những vấn đề nóng hiện nay. Đó là lần đầu tiên, công lý đã vén bức màn bí mật rằng có một loại giao dịch “buôn tiền” theo kiểu “chợ đen” với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Và bài học xương máu đối với các nhân viên ngân hàng trong việc tuân thủ quy trình, không vì việc phải chăm sóc, đặc ưu tiên vàtin tưởng cho khách hàng VIP mà “đặc cách” trong chứng từ dẫn tới những hệ lụy, mà bản thân vướng vòng lao lý... Mặt khác, nếu cán bộ ngân hàng làm đúng quy trình, Viện Kiểm sát chắc chắn sẽ không phải “dụng công” vất vả đến vậy.
Theo kiến nghị của Viện Kiểm sát (VKS) trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, Ngân hàng Xây dựng được giữ 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích để thu hồi tiền. Cùng với khoản tiền 5.190 tỷ đồng mà VKS đề nghị tuyên hồi từ nhóm Trần Ngọc Bích (mà Phạm Công Danh nhiều lần đề nghị gọi đúng là nhóm Dr. Thanh) tổng cộng số tiền có thể quy hồi để giảm thiệt hại cho vụ án lên đến 6.762 tỷ đồng, trong đó từ nhóm Trần Ngọc Bích là 5.809 tỷ đồng (số tiền này không bị chuyển ra khỏi ngân hàng, xử lý giải chấp 124 sổ tiết kiệm) và từ bà Hứa Thị Phấn là 950 tỷ đồng.
Tất nhiên, dư luận vẫn phải chờ đến ngày 09/09 tới, khi phán quyết công bố, hy vọng thiệt hại được giảm thiểu ở mức tối đa nhất, những người “sinh nghề tử nghiệp” dù vô tình hay thiếu trách nhiệm, hoặc phải trả giá cho niềm tin lạc lối, những nhân viên ngân hàng trong nhiều hoàn cảnh đẩy đưa dính vào vụ án đường về của họ may chăng có lẽ cũng gần hơn…