Vụ án oan giết người 10 năm: Phải thấu hiểu nỗi đau người dân

Vụ án oan giết người 10 năm: Phải thấu hiểu nỗi đau người dân
Trao đổi với Tiền Phong về vụ án oan ở Bắc Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ, những người làm công tác tư pháp phải có niềm tin nội tâm, thấu hiểu nỗi đau của người dân.

> Những câu hỏi day dứt

Hoạt động nhiều năm trong ngành Tư pháp, ông có thể chia sẻ về vụ án tại Bắc Giang?

Trước đây tôi đã từng đọc một bộ hồ sơ nặng tới 70 cân. Tài liệu đọc lâu quá mà chúng tôi còn phải đeo khẩu trang để đọc. Bị án này không kêu oan. Nhưng khi Ủy ban Tư pháp vào giám sát, thấy có rất nhiều dấu hiệu cho thấy bị oan. Đến khi gần có kết luận cuối cùng rồi thì ông ấy đã chết vì ung thư. Chúng tôi đều thấy có trách nhiệm của mình. Nếu mỗi giai đoạn, mỗi cấp đều tăng cường hơn một chút, có trách nhiệm hơn thì oan sai đã không xảy ra. Những người làm công tác tư pháp chúng tôi trăn trở lắm. Những người làm công tác tư pháp phải thấu hiểu nỗi đau của người dân.

Ngành Tư pháp cũng thừa nhận có một tỷ lệ oan nhất định, thưa ông?

Không thể tuyệt đối hóa được. Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch, và cần được đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ đối tượng. Lâu nay người ta cứ nói án tại hồ sơ. Không phải. Án tại hồ sơ là anh phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và những cái thẩm vấn tại phiên tòa. Ít nhất anh phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi hỏi có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không.

Thế nhưng, một thẩm phán tham gia phiên tòa xử sơ thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn có nói là tòa cấp trên đã xử y án sơ thẩm chứng tỏ ông ấy làm đúng, thưa ông?

Mỗi sai lầm xảy ra thì tất cả các cấp đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Trong đó, có yếu tố quá tự tin và cẩu thả, cho rằng mình có kinh nghiệm xét xử rồi, nhưng trạng thái này thì ít. Còn cụ thể trong vụ án tại Bắc Giang là năng lực yếu và trách nhiệm chưa cao. Năng lực về quá trình xét xử, đánh giá chứng cứ, niềm tin nội tâm quá kém. Trong xét xử, hệ thống đánh giá chứng cứ phải ăn khớp với nhau, chỉ một chi tiết nhỏ sai lệch là có thể phải lật lại toàn bộ vụ án. Trường hợp không lật lại, cố tình cho qua thì sẽ gây ra oan sai.

Theo ông bài học kinh nghiệm lớn nhất sau vụ án này là gì?

Đó là những thiết chế cần kiểm soát. Điều tra viên, thiết chế đầu tiên là ông thủ trưởng cơ quan điều tra phải thường xuyên xem xét, đánh giá các hoạt động của Điều tra viên. Bên cạnh đó có thiết chế viện kiểm sát thường xuyên kiểm sát các hoạt động tư pháp của Điều tra viên và của thủ trưởng cơ quan điều tra. Tức là tất cả những thiết chế kiểm soát lẫn nhau phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Nếu bị buông lỏng sẽ dễ dẫn đến những sơ suất đáng tiếc.

Ông nghĩ sao khi bị cáo phản ánh bị bức cung, nhục hình?

Nhiều người phản ánh tình trạng bị bức cung, nhục hình. Đối với vụ 10 năm tù oan vừa rồi, người bị kết án cũng nói có chuyện đó. Nhưng đó chỉ là thông tin một chiều, tìm ra bằng chứng rất khó. Ở nước ngoài phòng hỏi cung có lắp camera giám sát.

Ở Việt Nam có nghĩ đến việc này không? Không có. Bởi vì trong quá trình tố tụng hình sự ở Việt Nam, luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn bị tạm giữ chứ chưa nói tạm giam. Trong quá trình hỏi cung luật sư cũng đều được tham gia. Vấn đề ở đây là vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng hình sự cần phải được nâng cao.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG