Vụ án ở Đồng Tâm: Đề nghị truy tố 25 bị can tội giết người

Tang vật thu giữ được trong vụ án
Tang vật thu giữ được trong vụ án
TP - Cơ quan điều tra đề nghị viện kiểm sát truy tố 25 bị can về tội “Giết người”; 4 bị can về tội “Chống người thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại Đồng Tâm khiến 3 cảnh sát hi sinh.

 Hệ thống chính trị cơ sở tê liệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1/2020. Tại kết luận, phía cơ quan điều tra đề nghị viện kiểm sát cùng cấp truy tố 25 bị can về tội “Giết người”; 4 bị can về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tất cả đều là người thôn Hoành hoặc Đồng Mít thuộc xã Đồng Tâm trong đó Lê Đình Công (SN 1964) và Lê Đình Chức (SN 1980) là con của ông Lê Đình Kình (SN 1934); Lê Đình Uy (SN 1993) là con bị can Lê Đình Công.

Theo kết luận điều tra, năm 1980, Thủ tướng có quyết định cấp đất cho bộ đội xây dựng sân bay Miếu Môn gồm một phần diện tích của xã Đồng Tâm. Năm 2014, UBND TP Hà Nội ra quyết định giao 236 ha đất tại huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm cho Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ). Năm 2015, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thu hồi hơn 50 ha đất của Quân chủng PKKQ giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng, trong đó diện tích thuộc xã Đồng Tâm là gần 33ha.

Phía điều tra cho rằng, từ năm 2013, một số người tại Đồng Tâm đã thành lập “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu đứng đầu. Tổ đồng thuận có khẩu hiệu chống tham nhũng, giặc nội xâm nhằm kích động người khác khiếu kiện đất đai mặc dù chính ông Kình là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981 - 1982, từng tham gia chứng kiến việc giao nhận đất giữa đại diện xã và bộ đội công binh.

Khi Viettel thi công, ông Kình đã kích động người khác phản đối và thậm chí còn bắt giữ 34 cảnh sát cơ động; 4 cán bộ huyện không liên quan đi ngang qua. Nhóm ông Kình cùm tay chân, chất bình gas, kíp nổ, đổ xăng xung quanh 38 người này, đe dọa nếu có ai giải cứu sẽ biến tất cả thành biển lửa. Sau vụ việc này, Tổ đồng thuận còn gây rối để ngăn cản các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, khám bệnh miễn phí…

Nhóm này cũng đánh cán bộ xã và gia đình họ. Thậm chí, gia đình anh Hòa - người có đất thuộc diện được đền bù ở đồng Sênh đã bị nhóm Lê Đình Công chửi bới, dọa giết nếu không làm theo ý của mình. Công còn chỉ đạo đào rãnh sâu, chặn đường không cho gia đình anh Hòa đi lại. Phía điều tra nêu quan điểm, hành vi của Tổ đồng thuận làm ảnh hưởng đời sống nhân dân, hoạt động của chính quyền địa phương dẫn tới hệ thống chính trị cơ sở bị tê liệt…

Ðe dọa và đổ xăng thiêu cảnh sát

Năm 2019, Quân chủng PKKQ có kế hoạch xây dựng tường bảo vệ sân bay Miếu Môn nên đề nghị Công an TP Hà Nội giữ an ninh trật tự. Biết việc này, những người trong Tổ đồng thuận đã chuẩn bị vũ khí như lựu đạn, bom xăng, dao… nhằm tấn công nhà chức trách. Ông Kình cũng nhiều lần chỉ đạo: “Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”. Trong các video đăng trên mạng, Lê Đình Công tuyên bố: “Nếu không tiêu diệt được 300 đến 500 thằng thì sẽ không nhìn mặt đồng bào cả nước”.

Ngày 8/1, Lê Đình Công nhận tin báo về việc công an sẽ về thôn Hoành nên tập trung các bị can khác tới nhà ông Kình đồng thời tập trung vũ khí, lên phương án chống trả. Khoảng 3h ngày 9/1, nhóm người này livestream trên Facebook thông báo công an đang tiến về Đồng Tâm rồi mang vũ khí lên tầng 2 nhà ông Kình cố thủ; đánh kẻng báo động. Thấy cảnh sát tới nơi, các bị can bắn pháo tấn công. Cảnh sát có phát loa vận động đầu thú nhưng các bị can vẫn dùng bom xăng, gạch đá ném lại.

Vì vậy, một tổ công tác gồm ông Nguyễn Huy Thịnh - Phó trung đoàn trưởng E22 Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động; Phạm Công Huy - cán bộ Đội chữa cháy; Dương Đức Hoàng Quân - cán bộ E22 đã tiến vào nhà ông Lê Đình Hợi. Công ném lựu đạn, dùng dao chống trả. Khi 3 cảnh sát di chuyển từ mái nhà ông Hợi sang nhà Chức đã bị Chức dùng tuýt sắt gắn dao tấn công, làm họ rơi xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Chức lấy 1 can xăng đổ vào chậu, đưa cho bị can Lê Đình Doanh châm lửa.

Sau đó, Doanh đã đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố nơi 3 cảnh sát bị ngã. Chức và bị can Nguyễn Quốc Tiến nghe thấy tiếng hét và tiếng nói qua bộ đàm: “Đưa quân vào cứu người” và “Chúng nó giết 3 người của mình rồi” từ dưới hố vọng lên. Cũng theo điều tra, mỗi lần thấy lửa cháy nhỏ lại, bị can Chức lại đổ thêm xăng vào hố, chỉ dừng lại khi bị bắn ngã. Tuy nhiên, cả 3 cảnh sát đã tử vong.

Trong lúc này, một tổ công tác khác tiến vào nhà ông Lê Đình Kình nhưng cũng bị ông chống trả bằng dao làm thương tích cho 1 cảnh sát. Ông Kình cũng cầm lựu đạn đe dọa nếu có người vào sẽ ném. Vì vậy, tổ công tác đã bắn 2 phát súng khiến ông Kình tử vong, trên tay vẫn cầm một lựu đạn. Ngoài khu vực nhà ông Kình, các bị can Lê Đình Hiển, Nguyễn Thị Dung, Đào Thị Kim, Trần Thị Phượng cũng dùng hung khí tấn công cảnh sát, gây thương tích cho một số người.

Vụ án ở Đồng Tâm: Đề nghị truy tố 25 bị can tội giết người ảnh 1 ông Lê Đình Kình 

Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Lê Đình Kình là người chủ mưu, cầm đầu và thường tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất và kích động, lôi kéo người khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyền. Dù được Thanh tra TP Hà Nội thông báo kết luận nguồn gốc đất nhưng ông Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn chia quyền lợi cho người khác nếu tham gia cùng mình.

Ngày 9/1, ông Kình cũng sử dụng tuýp sắt gắn dao nhọn, lựu đạn tấn công cảnh sát. Hành vi này đã cấu thành tội giết người nhưng ông Kình đã mất nên không bị xử lý. Ngược lại, cơ quan điều tra khẳng định lực lượng thi hành nhiệm vụ nổ súng tiêu diệt ông Lê Đình Kình, làm Lê Đình Chức bị thương là đúng quy định. Công an cũng tách tài liệu để làm rõ các hành vi sử dụng vũ khí quân dụng, tiết lộ bí mật nhà nước trong vụ việc khác.

Bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) và một số người khác đề nghị khởi tố vụ án giết người với sự việc ông Kình bị bắn tử vong. Cơ quan điều tra cho rằng nội dung các đơn này không đúng sự thật.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.