Dự hội nghị có Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương; đại diện Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quân chủng Phòng không – Không quân, các sở ngành, chính quyền huyện Mỹ Đức… và đại diện người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức); 3 xã thuộc huyện Chương Mỹ: Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi tại buổi đối thoại
Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng Kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25/4/2019 của Thanh tra Chính phủ về kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Vì vậy, các nội dung của Kết luận thanh tra phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo tính chính xác.
Ông Thanh cho rằng, nhiều năm qua, xã Đồng Tâm có nhiều vi phạm về đất đai. Người dân có nhiều đơn thư tố cáo và các cấp đã kiểm tra, thanh tra, xử lý nhiều vi phạm; gần 30 cán bộ vi phạm đã bị xử lý, trong đó nhiều cán bộ đã bị xử lý hình sự do vi phạm nghiêm trọng.
Ông Thanh cho biết, khoảng 238 ha đất đã được Thủ tướng thu hồi giao cho quân đội năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; trong đó hơn 47 ha đất Đồng Sênh đã được bàn giao, chuyển đổi sang mục đích quốc phòng. Đơn vị bị thu hồi đất là hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm chứ không phải của từng hộ dân.
“Người dân có thể hiểu lầm là đơn vị quân đội chưa sử dụng nên có ý định xin lại để canh tác. Nguyện vọng đó theo quy định phải thể hiện qua HĐND xã Đồng Tâm nhưng theo ghi nhận chưa từng có ý kiến đó. Một số hộ không thể đại diện cho tất cả để đòi lại khu đất này. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu khu đất này là để phục vụ mục đích quốc phòng, không thể chuyển đổi, cũng không hề có một dự án nào ngoài mục đích quốc phòng ở đây”, ông Thanh khẳng định.
Cũng theo ông Thanh, liên quan đến đất sân bay Miếu Môn, hiện còn 2 nhóm ý kiến. Một là, một số hộ dân, không đồng tình với kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội, kết quả thẩm tra của Thanh tra Chính phủ và mong muốn được đối thoại làm rõ.
Quan điểm của Thanh tra Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội luôn sẵn sàng đối thoại, làm rõ các vấn đề người dân còn băn khoăn. Hai là, Thanh tra Chính phủ cũng nhận được đơn thư của cán bộ lão thành ở xã Đồng Tâm (có người hơn 60 năm tuổi Đảng) bày tỏ đồng thuận và mong muốn các cấp sớm thực hiện kết luận thanh tra của thành phố và xử lý sai phạm để đời sống người dân sớm ổn định.
Quyết định của Thủ tướng về việc cấp đất xây dựng sân bay Miếu Môn năm 1980
Thông tin mới về việc 14 hộ dân đã đồng tình, ký kết đồng ý thỏa thuận đền bù, hỗ trợ để di dời khỏi phần đất sân bay, ông Thanh chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhận, biểu dương và chia sẻ với 14 hộ dân khi di dời, tìm phương án cuộc sống mới. Sự nỗ lực kiên trì của chính quyền đã được người dân đồng tình”.
Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Viễn (75 tuổi, xã Đồng Tâm) một trong 14 hộ dân đã di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn cho biết, gia đình ông ở trong đất sân bay Miếu Môn ở từ năm 1988, và biết đây là đất do quân đội quản lý.
“Chúng tôi đồng tình di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn và đã giải tỏa xong bởi chúng tôi hiểu pháp luật. Chúng tôi đã vui vẻ di dời khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Người dân Đồng Tâm đa phần là chấp hành, ủng hộ, chỉ có một bộ phận nhỏ phản đối”, ông Viễn nói.
“Có ĐBQH xuống Đồng Tâm nhưng không gặp chúng tôi, những người có quyền lợi liên quan trực tiếp mà lại chỉ gặp người khiếu kiện là không hợp tình, hợp lý", ông Viễn bày tỏ sự không hài lòng, và cho rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phức tạp ở địa phương thời gian qua", ông Viễn nói thêm.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm khẳng định phần lớn người dân đồng tình với kết luận của Thanh tra thành phố.
“Phía Nam là trường bắn Miếu Môn, phía bắc là sân bay Miếu Môn, chiến lược như thế thì làm sao có xen kẹt đất của xã Đồng Tâm được? Không hiểu ai có ý đồ gì mà lại kêu gọi người dân đòi đất Đồng Sênh. Ông Lê Đình Kình nếu chỉ dừng lại ở chỗ đấu tranh chống tham nhũng thì tuyệt vời, nhưng ông đã đi quá xa”, ông Thắng nói.
"Thời gian qua, xã Đồng Tâm đã mất đi những giá trị không thể đo đếm bằng tiền. Tôi và nhiều người dân Đồng Tâm mong muốn, những cá nhân nếu biết sai hãy dừng lại để tất cả người già, người trẻ cùng phấn khởi quyết tâm, chung tay xây dựng đất nước, thành phố ngày càng kết quả hơn", ông Thắng nói thêm.
Trao đổi tại hội nghị về những băn khoăn của người dân xã Đồng Tâm liên quan đất sân bay Miếu Môn là đất an ninh quốc phòng, tại sao huyện Mỹ Đức lại thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, việc quản lý đất đai trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của UBND thành phố .
Năm 2016, để rút ngắn thời gian thủ tục và thuận tiện, UBND thành phố đã phân cấp việc giải phóng mặt bằng cho Chủ tịch UBND các quận huyện thực hiện, thực tế việc phân cấp này đã phát huy hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ông Chung cũng thông tin, tất cả các quyết định thu hồi, chuyển đổi 283 hecta đất để xây dựng sân bay Miếu Môn đều còn nguyên vẹn. Tại buổi đối thoại người dân cũng được xem các bản đồ, và các quyết định liên quan.
Ông Chung mong muốn đại diện người dân tại buổi đối thoại, sẽ là nòng cốt vận động nhân dân xã đồng thuận, tạo điều kiện để Quân chủng phòng không không quân tiến hành xây dựng hàng rào khu vực đất sân bay Miếu Môn. Cùng với đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện, xã chỉ đạo để xử lý triệt để vấn đề tồn tại liên quan đến lấn chiếm đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm...
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương đánh giá, buổi đối thoại diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở, dân chủ. Các vấn đề người dân quan tâm, nêu ra đều rất tâm huyết, và đều được các cấp trả lời sát sao, có căn cứ, khách quan. Các cơ quan trung ương đều đồng tình với kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Vụ việc ở Đồng Tâm là do khuyết điểm, sơ hở quản lý đất đai, một số người lợi dụng lôi kéo kích động gây ảnh hưởng mất an ninh trật tự. Ông Đương cũng mong bà con thông tin đầy đủ để người dân hiểu và ổn định cuộc sống để phát triển cũng như quan tâm nâng cấp đường xá, trường học, y tế, chăm sóc người có công, người già để cải thiện đời sống người dân...