Vụ 8B Lê Trực: Dư luận hoài nghi sự “quyết liệt” của địa phương

Thực hiện phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (ảnh chụp sáng 6/3).
Thực hiện phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (ảnh chụp sáng 6/3).
Phóng viên nhiều lần đặt lịch hẹn trước nhưng vẫn không thể tiếp cận được lãnh đạo UBND phường Điện Biên cũng như đơn vị phá dỡ để nắm bắt, phản ánh tiến độ phá dỡ công trình.

Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội đã khiến người dân Thủ đô rất bức xúc và cũng đồng tình với chỉ đạo cưỡng chế của thành phố Hà Nội, yêu cầu phá dỡ phần sai phạm do chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian, không chấp hành nghiêm túc cam kết về tiến độ tự phá dỡ phần sai phạm với các cơ quan chức năng của thành phố.

Tuy nhiên, đến ngày 18/3, tức là sau 2 tuần các lực lượng chức năng của UBND phường Điện Biên trực tiếp chỉ đạo đơn vị được thuê phá dỡ triển khai việc phá dỡ, mặc dù phóng viên TTXVN nhiều lần đặt lịch hẹn trước nhưng vẫn không thể tiếp cận được lãnh đạo chính quyền phường cũng như đơn vị phá dỡ để nắm bắt, phản ánh tiến độ phá dỡ công trình.

Cụ thể, chiều ngày 17/3, sau khi phóng viên đã gọi điện cho ông Cồ Như Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình, mặc dù đã nhận được sự hợp tác, nhưng khi chúng tôi có mặt tại hiện trường thì ông Dũng lại bảo chờ đợi vì đang bận họp. Tuy nhiên, sau hơn một giờ chờ đợi đến kết thúc giờ hành chính ông Dũng vẫn không tiếp và cung cấp bất kỳ số liệu gì liên quan đến tiến độ cưỡng chế, dù công trình nằm sát cạnh UBND phường. Và theo quan sát của phóng viên, những ngày qua tiến độ phá dỡ phần vi phạm vẫn chậm trễ, lực lượng nhân công và máy móc thiết bị được bố trí mỏng. 

Đặc biệt, mới đây nhất thông tin chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đã có văn bản gửi Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội đề xuất thay đổi phương án xử lý sai phạm; hay việc người dân mua nhà tại dự án này sáng 18/3 đã đến Bộ Xây dựng "cầu cứu" mong được bảo vệ quyền lợi của mình cho thấy những biểu hiện hoài nghi về việc “bưng bít” thông tin về tiến độ hiện đang phá dỡ của công trình này.

Khi PV liên lạc với lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát (đơn vị đã được UBND phường ký hợp đồng thực hiện tháo dỡ, đây cũng là đơn vị trước đó đã được chủ đầu tư thuê phá dỡ) để được biết công việc chỉ đạo phá dỡ của đơn vị này tại công trình, song lãnh đạo đơn vị từ chối không trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc thực hiện phá dỡ công trình sai phạm.

Trước đó, ngay trong buổi ra quân cưỡng chế ngày 6/3, rất nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã không thể tiếp cận được với lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và hiện trường công trình để tác nghiệp, phản ánh sự “vào cuộc” kiên quyết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội. Sự việc đó đã khiến nhiều cơ quan báo chí phải phản ánh với nhiều tiêu đề như: “Hà Nội “đóng cửa” cưỡng chế; hay “Cưỡng chế toà nhà 8B Lê Trực trong cảnh cửa đóng, then cài”, “Cưỡng chế tại 8B Lê Trực: Hạn chế thông tin”...

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, trước sự chậm trễ của chủ đầu tư trong việc tự tháo dỡ phần sai phạm và có biểu hiện “câu giờ” (sau gần 2 tháng mới phá dỡ được 50m2 sàn trên tầng tum), UBND thành phố Hà Nội buộc phải yêu cầu UBND quận Ba Đình khẩn trương cưỡng chế, xử lý nghiêm công trình vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này, nhưng vẫn có những điều rất khó hiểu khi chính quyền phường “bưng bít” thông tin, không công khai cho dư luận được biết sự quyết liệt xử lý vi phạm của các cấp chính quyền.

Bởi theo cam kết của UBND phường, việc cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 29/4/2016. Điều này không tránh khỏi câu hỏi của người dân “Có hay không việc chính quyền phường và quận đang chậm trễ trong việc tiến hành phá dỡ để chờ kết quả “cầu cứu” của chủ đầu tư và người mua nhà dự án đã và đang được gửi đến Chính phủ, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng ?

Như đã đưa, mặc dù xác định việc cưỡng chế phá dỡ công trình sai phạm tại 8B Lê Trực không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà tại dự án, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ dân sinh sống xung quanh toà nhà, song thành phố Hà Nội vẫn kiên quyết chỉ đạo Sở Xây dựng, quận Ba Đình, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ phá dỡ; trong đó phải đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn lao động đối với người trực tiếp tham gia phá dỡ cũng như các hộ dân sinh sống, đi lại xung quanh khu vực.

Liên quan đến thông tin trước đây, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực muốn hiến toàn bộ phần vi phạm cho Nhà nước sử dụng vào các mục đích công ích, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, Hà Nội không chấp nhận ý tưởng hiến phần sai phạm nhà 8B Lê Trực. Theo nguyên Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.

Cũng theo ông Phạm Quang Nghị, chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng Nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy. Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn.

Hiện Hà Nội đã phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc những tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm nghiêm trọng tại công trình này. Nhiều cá nhân đã bị cách chức và điều chuyển công tác khác.

Theo Theo TTXVN
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.