Vụ 3 công ty ‘tín dụng đen’ tại TPHCM thu lợi bất chính 4100 tỷ: Lộ diện ông trùm ở Đông Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quá trình điều tra, công an xác định 3 công ty núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn quản lý để hoạt động tín dụng đen đều chung một bộ máy nhân sự, kế toán và do người đàn ông quốc tịch một nước ở Đông Âu quản lý, điều hành.

3 công ty độc lập nhưng chung một bộ máy

Liên quan vụ triệt phá 3 công ty “tín dụng đen”, ngày 1/6, Công an TPHCM đang củng cố hồ sơ, xử lý nhiều người liên quan làm việc tại các công ty này theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Các bị can gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, ngụ quận 10), Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Trương Tuấn Tài (32 tuổi, ngụ quận 6), Giám đốc Công ty TNHH Fincap VN; Trần Dũng (37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), Trưởng phòng Vận hành Công ty TNHH Sofi Solutions (Công ty Sofi Solutions) và 6 người khác làm việc tại Công ty Sofi Solutions.

Vụ 3 công ty ‘tín dụng đen’ tại TPHCM thu lợi bất chính 4100 tỷ: Lộ diện ông trùm ở Đông Âu ảnh 1

Cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng đối với bị can Sương (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo điều tra, Công ty Sofi Solutions là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; ngành nghề dịch vụ tư vấn quản lý; vốn điều lệ hơn 1,1 tỷ đồng gồm hai thành viên là một người đàn ông có quốc tịch tại Đông Âu (2%) và một công ty có trụ sở ở Singapore (98%).

Công ty này hoạt động vào cuối tháng 2/2019 và do một người đàn ông khác có quốc tịch ở nước một Đông Âu làm giám đốc, đại diện pháp luật.

Công ty Digital Credit hoạt động từ năm 2018, ngành nghề đăng ký kinh doanh là dịch vụ cầm đồ; vốn điều lệ 1 tỷ đồng và do Công ty TNHH SF GROUP chiếm 100%. Giám đốc, người đại diện theo pháp luật hiện nay là bà Sương.

Còn Công ty Fincap VN đăng ký hoạt động lần đầu đầu năm 2021, ngành nghề cầm đồ; vốn điều lệ 100 triệu đồng và do Công ty TNHH SF Capital VN sở hữu 100%.

Quá trình điều tra, công an xác định, 3 công ty có pháp nhân độc lập nhưng bản chất đều thuộc sở hữu của một tập đoàn có trụ sở tại Đông Âu. Tập đoàn này thành lập hai pháp nhân khác tại Singapore rồi thông qua đó đầu tư vào Việt Nam.

Vụ 3 công ty ‘tín dụng đen’ tại TPHCM thu lợi bất chính 4100 tỷ: Lộ diện ông trùm ở Đông Âu ảnh 2
Công an làm việc với giám đốc (áo đen) có quốc tịch một nước ở Đông Âu điều hành 3 công ty (Ảnh: Công an cung cấp).

Ngoài ra, cả 3 công ty này đều chung một bộ máy nhân sự gồm: bộ phận kế toán, thu hồi nợ, chăm sóc khách hàng, vận hành, pháp lý, nhân sự…; không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và toàn bộ nhân viên làm việc tại tòa nhà trên đường Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1.

Các nhân viên thuộc 3 công ty này được chia làm 8 bộ phận, đều làm chung một văn phòng do một người quốc tịch nước Đông Âu quản lý, điều hành cao nhất.

Giải ngân cho hơn 2 triệu lượt vay

Theo cơ quan điều tra, các công ty này liên kết phối hợp với nhau trong việc cho vay, lấy phí và đòi nợ, từ việc tư vấn (Công ty Sofi Solutions); trả phí quản lý, phí dịch vụ, phí chậm trả (Công ty Digital Credit và Fincap VN); phí gia hạn (Công ty Sofi Solutions).

Nguồn tiền của Digital Credit được lấy từ nguồn thu hàng ngày của khách hàng thanh toán; nguồn tiền của Fincap VN được lấy từ vốn của công ty và các khoản vay ngắn hạn, khoản tiền vay đã hoàn trả hết và hiện tại dùng nguồn thu từ khách hàng thanh toán để giải ngân tiếp.

Vụ 3 công ty ‘tín dụng đen’ tại TPHCM thu lợi bất chính 4100 tỷ: Lộ diện ông trùm ở Đông Âu ảnh 3
Cơ quan công an khám xét nơi ở của bị can Trương Tuấn Tài (Ảnh: Công an cung cấp).

Các công ty này cho vay tiền thông qua trang web tamo.vn hoặc findo.vn đã cài đặt lập trình sẵn, được điều hành từ nước ngoài. Khách hàng vay tiền chỉ cần điền thông tin, hình ảnh cá nhân, căn cước công dân mà không cần tiếp xúc hay giao dịch với nhân viên bên cho vay.

Hệ thống tự động sẽ thành lập 3 hợp đồng điện tử gồm Hợp đồng cho vay cầm đồ, Hợp đồng cầm cố tài sản với Digital Credit và Fincap, Hợp đồng dịch vụ tư vấn với Sofi Solutions. Số tiền vay sẽ được cấp cho khách hàng thông qua ví điện tử như MoMo dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Số tiền mỗi lần cho vay thấp nhất là 500 nghìn đồng, cao nhất là 20 triệu đồng, trong đó khách vay lần đầu chỉ được vay tối đa 2 triệu đồng, thời hạn tối đa 7 ngày.

Khách vay phải trả dứt điểm lần trước mới được vay lần sau hoặc đến kỳ hạn mà khách hàng không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày… tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, thông qua 2 trang web trên, 3 công ty này giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 4.100 tỷ đồng, với lãi suất từ 153% đến 1.200%/năm.

Vụ án đang được công an mở rộng điều tra.

MỚI - NÓNG