VTC Online dưới thời điều hành của Phan Sào Nam

Phan Sào Nam (trái) và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa - hai mắt xích quan trọng của vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Phan Sào Nam (trái) và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa - hai mắt xích quan trọng của vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Dưới thời của doanh nhân trẻ có biệt danh "Hoàng tử bóng đêm", VTC Online từng là một trong số ít công ty trò chơi trực tuyến huy động được vốn ngoại.

Sau một thời gian tích cực điều tra, đường dây "đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, đã được Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố và bắt gần 70 người. 

Một trong những mắt xích quan trọng của vụ án này là ông Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online).

Sinh năm 1979, Phan Sào Nam từng được đánh giá là một nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một người trẻ, năng động và thông thạo 2 ngoại ngữ Anh và Hàn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM và chương trình quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc, ông Nam về Việt Nam và đầu quân cho Công ty phần mềm và truyền thông VASC.

Đến năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào lĩnh vực nội dung số, ông Nam được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc VTC Intecom. Và sau 2 năm, ông cùng các đồng nghiệp đã đã thành lập lên VTC Online. 

Giữ chiếc ghế quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp kinh doanh nội dung số hàng đầu của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2013, Phan Sào Nam khi đó có biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm, hay những email được gửi vào lúc rạng sáng. Công ty này dưới vai trò lãnh đạo của ông Nam cũng nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến khi đó.

Lợi nhuận của VTC Online giai đoạn trước 2012 cũng ghi nhận đà tăng ổn định, đạt mức xấp xỉ 40 tỷ đồng. Giữa năm 2012, Phan Sào Nam trở nên nổi tiếng khi là người "dẫn mối" cho khoản đầu tư 10 triệu USD từ DWS Việt Nam vào VTC Online, thông qua Công ty quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore. 

So với những thương vụ rót vốn khác thì con số 10 triệu USD còn khá khiêm tốn, nhưng với lĩnh vực công nghệ số và trò chơi trực tuyến mức đầu tư này là con số kỷ lục. Ông Nam trong lần trả lời báo chí lúc đó cho rằng, Việt Nam đang ở điểm vàng phát triển Internet, và VTC Online khó có thể nằm ngoài xu hướng tăng trưởng.

Số tiền có được từ DWS Việt Nam được VTC Online giải ngân vào dự án GO.VN, phát triển trò chơi trực tuyến, phát triển dịch vụ truyền hình và dịch vụ giáo dục. 

Tuy nhiên, trái với cam kết khi nhận khoản đầu tư, VTC Online bắt đầu gặp trục trặc vì chính mảng kinh doanh cốt lõi và dần chệch khỏi đường ray những năm sau đó. Năm 2014 VTC ghi nhận khoản lỗ ròng tới 102 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ lớn chủ yếu xoay quanh các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game. Khoản lỗ này không chỉ ngốn hết phần lợi nhuận tích lũy và đến tận những năm sau đó vẫn chưa thể xóa hết.

Mặc dù công ty có lãi trở lại từ năm 2015, nhưng cũng chỉ ghi nhận con số lợi nhuận khá khiêm tốn, trong khoảng từ 8 tỷ đến 10 tỷ đồng mỗi năm. Trong bản cập nhật thông tin giữa năm 2015, DWS Việt Nam đã đánh giá khoản đầu tư vào VTC Online chỉ còn 2,15 triệu USD, chỉ bằng một phần năm so với giá trị đầu tư ban đầu là 10 triệu USD.

Mức lỗ kỷ lục năm 2014 thậm chí còn gây ảnh hưởng đến nhiều năm sau đó. Theo báo cáo kiểm toán 2016, công ty này vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 42 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu chủ yếu là khoản thặng dư vốn cổ phần từ những đợt chào bán cho cổ đông chiến lược.

Trong bối cảnh lĩnh vực trò chơi trực tuyến - mảng hoạt động cốt lõi của VTC Online bị xiết chặt hơn với các quy định về quản lý, kết quả kinh doanh của công ty đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy doanh thu có tăng trở lại vào năm 2016 với hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chỉ ở mức dưới 10 tỷ, với biên lợi nhuận khoảng 0,5%. "Hoàng tử bóng đêm" cũng không còn những phát ngôn ồn ào như thời kỳ thịnh vượng của VTC Online.

Cuối năm 2017, VTC thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại VTC Online với mức định giá chỉ bằng một phần năm so với trước đó 5 năm khi DWS Việt Nam rót vốn. Tuy nhiên phiên đấu giá này đã bị hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Theo bản cáo bạch chào bán cổ phần, đến tháng 7/2017, ông Nam vẫn là Ủy viên Hội đồng quản trị của VTC Online với 4,3% cổ phần sở hữu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, những thông tin về ông này đã bị thay đổi trên website của công ty.

Trong số 70 người bị khởi tố và bắt giam có ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Bộ Công an); Phan Sào Nam (39 tuổi, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online); Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC).

Nhà chức trách nhận định công ty do Nam và Dương điều hành kinh doanh, nhập khẩu thiết bị về công nghệ, tuy nhiên sau một thời gian chuyển sang tổ chức đánh bạc qua mạng.

Ông Nam và Dương bị cáo buộc là chủ mưu, điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến qua mạng bằng hình thức game bài. Người chơi mua thẻ cào điện thoại và thẻ Vcard do CNC phát hành nạp vào game rồi mua tiền ảo để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ cổng thanh toán của nhiều công ty. Doanh thu từ hình thức này do công ty CNC kiểm soát.

Cách thứ hai là sử dụng tiền của ngân hàng nạp vào tài khoản ATM thông qua cổng thanh toán trực tuyến để mua tiền ảo và thẻ game.

Nhà chức trách ước tính đường dây có hơn 20 triệu tài khoản tham gia với 8 triệu người chơi thường xuyên. Khi phá vụ án, cơ quan điều tra đã thu trên 1.000 tỷ đồng. Chưa có con số chính thức song số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước tính chừng 3,6 triệu USD.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.