VPF thuê chuyên gia Nhật có hiệu quả?

VPF thuê chuyên gia Nhật có hiệu quả?
TP - Thông tin về việc VPF thuê chuyên gia từ Nhật Bản để tham gia trong bộ máy điều hành của VPF ở mùa bóng 2013 được dư luận đón nhận với thái độ chẳng mấy hào hứng, thậm chí hờ hững và lạnh nhạt.

> VPF thuê chuyên gia Nhật Bản điều hành V-League
> HLV Hoàng Anh Tuấn tạm quyền ĐTVN?

Không khó để lý giải điều này, bởi sau 12 năm chuyên nghiệp hoá, bóng đá Việt Nam bị xem là đang đi trên một con đường không giống bất cứ nền bóng đá nào, cụ thể là sự xuất hiện của những “đặc trưng” hiếm thấy như “một ông chủ 2 đội bóng” hay “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Trong khi đó, chuyên gia Kazuyoshi Tanabe lại đến từ một nền bóng đá hàng đầu châu Á, và ở J-League hay bất kỳ nơi nào mà ông Tanabe từng đặt chân qua, vị chuyên gia này sẽ không thể thấy được những “đặc trưng” mà V-League đang có.

Chẳng hạn, chuyên gia Tanabe sẽ làm được gì nếu vào cuối mùa bóng 2013 lại xảy ra tình trạng “chị ngã em nâng” giữa HN.T&T và SHB.ĐN, như kịch bản đã xảy ra ở đoạn kết V-League 2012, khiến SG.XT phải cay đắng nhận HCĐ, còn SHB.ĐN và HN.T&T thì chia nhau 2 vị trí cao nhất.

Tương tự như thế là câu chuyện của bầu Đức, bầu Thắng, những người đang giữ cương vị lãnh đạo cao cấp trong HĐQT VPF, nhưng họ đồng thời cũng có đội bóng tham dự V-League 2013.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một CLB tố cáo rằng vì là đội bóng của bầu Đức hoặc bầu Thắng nên HA.GL hoặc ĐT.LA đã được trọng tài ưu ái trong những tình huống gây tranh cãi? Liệu chuyên gia Tanabe có xử lý được những vấn đề này, khi chúng đã xuất hiện như là những bài toán khó từ mùa giải 2012?

Nói một cách khác, để bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh hiện nay có lỗi rất lớn của các ông bầu, các đội bóng và dĩ nhiên là VFF cũng như một phần trách nhiệm của VPF, bởi tổ chức này mới chỉ ra đời được hơn một năm.

Song thật là một việc khó hiểu khi chúng ta mời chuyên gia từ một nền bóng đá chuyên nghiệp mang tính chuẩn mực tới Việt Nam để khắc phục những vấn đề do chính chúng ta gây ra.

Nó cũng hao hao giống với câu chuyện VFF từng lên tiếng sẽ cậy nhờ phái đoàn của AFC và FIFA để giải quyết tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”, trong khi chính dư luận và báo chí đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này ngay cả trước khi nó xuất hiện.

Bản thân các Điều lệ, Quy chế của VFF cũng có những điều khoản rất rõ ràng để ngăn chặn tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”.

Trước đây, khi bong bóng bóng đá còn chưa bị xì hơi thì người ta lấy lý do “cần duy trì phong trào” để không xử lý mạnh tay và triệt để với tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”, còn bây giờ lúc bóng đá Việt Nam gần như đang chạm đáy trở lại sau hơn 10 năm phát triển quá nóng thì người ta lại viện cớ khác để bảo lưu sự tồn tại của tình trạng này.

Chỉ một trường hợp như thế cũng đủ thấy với những vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện tại, không ai có thể là người dọn dẹp tốt hơn chúng ta, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của nhân tố nước ngoài!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.