Bà Lê P. L. (58 tuổi,Tân Bình, TP.HCM) trong một lần đi kiểm tra tổng quát, mới phát hiện vòng tránh thai bà đặt vào tử cung hơn 20 năm qua đã nằm lút trong lớp cơ của thành tử cung. Muốn lấy được vòng tránh thai ra, bà phải trải qua một lần mổ. Trước đó, vì vòng tránh thai nằm trong ổ bụng suốt 32 năm trời, bà Nguyễn T. P. (59 tuổi, Bình Tân) đã phải mổ cấp cứu vì bịhoại tử ruột. Vòng tránh thai xuyên qua tử cung vào ổ bụng, gây tắc nghẽn máu đến nuôi ruột.
BS. CKII. Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó giám đốc BV. Hùng Vương khuyến cáo, với vòng tránh thai truyền thống, biến chứng nặng nhất là “xuyên cơ”, đặc biệt khi người phụ nữ không đi kiểm tra sản phụ khoa định kỳ, để vòngtránh thai nằm quá lâu trong tử cung. Tuổi thọ của vòng tránh thai thường chỉ 6 - 7 năm.
Nhiều phụ nữ đã đặt vòng 10 năm trở lên mới bắt đầu đi khám phụ khoa vì các triệu chứng như đau bụng, gây đau hạ vị, có dấu hiệu viêm nhiễm sinh dục, sốt, thay đổi bất thường ở vùng hạ vị... Lúc đó, bác sĩ mới phát hiện ra vòng xuyên thấu gây ra những biểu hiện trên. Để lấy vòng ra, bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật nội soi.
Theo BS. Nghiêm, ở phương diện nào đó, đối với cơ thể, vòng tránh thai là một vật lạ, nên có thể gây ra phản ứng viêm: viêm sinh dục – âm đạo, gây ra huyết trắng, vùng kín luôn ẩm ướt. Thậm chí, do cơ địa, vòng tránh thai còn có thể gây ra viêm nội mạc tử cung, gây rong kinh - rong huyết, đau lưng, đau bụng.
Hoặc, vòng bị đặt lệch, phụ nữ có thể có thai ngoài ý muốn, giao hợp đau… Vì vậy, sau khi đã được đặt vòng, người phụ nữ phải định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần kiểm tra vòng tránh thai, kết hợp với xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Hiện nay, ngoài vòng tránh thai truyền thống, phụ nữ còn có một lựa chọn nữa là que cấy tránh thai, đặt vào mặt sau của cánh tay. Đây là thiết bị sử dụng nội tiết tố để kiểm soát việc rụng trứng. Một phương pháp khác là vòng tránh thai nội tiết, vừa có tác dụng ngừa thai, vừa có tác dụng điều trị trường hợp u xơ tử cung.